Chất lượng môi trường tỉnh Sơn La: Nhiều chỉ số ô nhiễm được cải thiện

Nguyễn Nga| 11/05/2022 17:05

(TN&MT) - Năm 2021, UBND tỉnh Sơn La giao Trung tâm Quan trắc TN&MT, Sở TN&MT Sơn La triển khai quan trắc tại 129 điểm gồm: 51 điểm môi trường không khí, 54 điểm môi trường nước mặt, 19 điểm môi trường đất, 5 điểm môi trường trầm tích trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

a1.jpg

Quan trắc chất lượng môi trường là hoạt động thường niên được tỉnh Sơn La quan tâm thực hiện.

Nhiều vị trí quan trắc nước mặt cho kết quả tốt

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La cho biết: Các vị trí quan trắc được thực hiện nghiêm theo quy định tại Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 29/1/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Các điểm, thông số, tần suất quan trắc đảm bảo tính đại diện, đặc trưng của khu vực quan trắc, đánh giá được hiện trạng và giám sát được các tác động từ các nguồn thải ô nhiễm đối với môi trường quan trắc.

Quá trình quan trắc đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng cũng như quy trình kỹ thuật trong việc lấy mẫu quan trắc, phân tích theo đúng quy trình và kiểm chuẩn từ QA/QC trong lập kế hoạch quan trắc; kết quả quan trắc được so sánh theo đúng các quy chuẩn hiện hành.

Qua 2 đợt quan trắc năm 2021 cho thấy, chất lượng môi trường không khí, các thông số gây ô nhiễm chủ yếu là bụi và tiếng ồn, tập trung phần lớn tại các khu vực ngã ba, ngã tư nơi giao nhau của các trục đường chính, bến xe, cổng chợ, cổng bệnh viện, khu vực trung tâm đô thị.

So với năm 2020, thông số tiếng ồn năm 2021 có số lượng điểm vượt GHCP thấp hơn, thông số bụi cũng có sự cải thiện rõ rệt. Môi trường không khí tỉnh Sơn La cần tiếp tục phải duy trì theo dõi vào các thời gian tiếp theo để có những kết quả đánh giá, nhận xét mang tính lâu dài và phản ánh được thực trạng môi trường trên địa bàn tỉnh; từ đó sẽ có những phương hướng phát triển kinh tế lâu dài gắn liền với bảo vệ môi trường.

Về chất lượng môi trường nước mặt, chỉ số chất lượng nước (WQI) cho thấy: Nước mặt trên địa bàn tỉnh có chất lượng tương đối tốt, với 13/54 vị trí trong 2 đợt quan trắc đều có chất lượng rất tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt như: Nước sông Đà tại xã Cà Nàng; nước suối Sập xã Chiềng Sơn huyện Mộc Châu; nước suối Bông, suối Quanh huyện Mộc Châu; nước suối Chiến đoạn sắp đổ ra sông Đà; nước mặt Tiểu khu 3 thị trấn Mộc Châu; mó nước Hang Dơi; khu vực gần trạm cấp nước Mường La…

a3.jpg

Lấy mẫu nước Suối Vạt, khu vực xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu.

Có 24/54 vị trí trong cả hai đợt quan trắc có kết quả chỉ số WQI ≥76 cho thấy nước đạt chất lượng tốt, sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý phù hợp. Có 16/54, chất lượng trung bình, sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác. Riêng 1 vị trí trong cả hai đợt quan trắc có kết quả chỉ số WQI ≥26 cho thấy nước đạt chất lượng xấu, chỉ sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác (suối Nậm La khu vực chân cầu Trắng – TP. Sơn La). Không có vị trí nước mặt nào có chất lượng kém hoặc ô nhiễm rất nặng. So với đợt quan trắc cùng kì năm 2020 thì chất lượng nước mặt tại các sông, suối, hồ trên địa bàn tỉnh năm 2021 nhìn chung có xu hướng tốt hơn.

Môi trường đất duy trì ổn định

Chất lượng môi trường trầm tích chưa bị ô nhiễm bởi các hợp chất hữu cơ Hydrocacbon tại các vị trí quan trắc, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, diễn biến ổn định, không có biến động nhiều và đều nằm trong GHCP tại 3 huyện, thành phố với 5 điểm quan trắc.

a2.jpg

Lấy mẫu trầm tích khu vực Sông Mã, gần trạm Thủy văn Xã Là.

Chất lượng môi trường đất tại 12 huyện, thành phố với 19 điểm quan trắc cho thấy, chất lượng đất chủ yếu có hàm lượng mùn nghèo và hàm lượng mùn trung bình, độ pH ổn định nằm trong giá trị chỉ thị của TCVN 7377:2004, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.

Nhóm thông số kim loại nặng như Asen (As), Chì (Pb) chưa có dấu hiệu ô nhiễm trong đất tại các vị trí quan trắc. Thông số kim loại Đồng (Cu) có dấu hiệu ô nhiễm tại 3 vị trí: Bãi rác huyện Mường La (đang làm thủ tục đóng cửa), đất sản xuất nông nghiệp xã Chiềng Khoang - huyện Quỳnh Nhai và đất bãi rác bản Cóng, xã Chiềng Ly (đã đóng cửa) – huyện Thuận Châu. Thông số kim loại Kẽm (Zn) có dấu hiệu ô nhiễm tại 1 vị trí đất bãi rác bản Cóng, xã Chiềng Ly (đã đóng cửa) – huyện Thuận Châu. Chất lượng môi trường đất năm 2021 tương đối ổn định và có dấu hiệu ít ô nhiễm hơn năm 2020.

Để tiếp tục có những đánh giá diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn, năm 2022, tỉnh Sơn La đang tiếp tục duy trì quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được duy trì hàng năm, nhằm theo dõi, giám sát chất lượng môi trường không khí, môi trường nước mặt, trầm tích, môi trường đất, qua đó, bổ sung có hệ thống về môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường.

Cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường thông qua chương trình quan trắc theo thời gian và không gian, cảnh báo sớm các hiện tượng ô nhiễm, mức độ ô nhiễm và các tác động xấu đối với môi trường. Tạo cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói riêng và làm cơ sở cho việc triển khai các quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Hoàn thành quan trắc chất lượng môi trường tỉnh đợt 1/2022

Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh cũng vừa hoàn thành quan trắc chất lượng môi trường đợt 1/2022 tại 51 điểm môi trường không khí; 54 điểm môi trường nước mặt; 5 vị trí môi trường trầm tích.

Kết quả cho thấy, chất lượng môi trường không khí tiếp tục duy trì ổn định và chưa bị ô nhiễm bởi chất độc hại trong không khí (H2S); các chất khí khác (NO2, SO2, CO) có diễn biến tương đối ổn định và nằm trong GHCP.

Chất lượng môi trường nước mặt tương đối ổn định, với 27/54 vị trí quan trắc các thông số đảm bảo theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Song, tại một số vị trí quan trắc vượt GHCP (nước mặt suối Huổi Thán gần UBND xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, chân cầu sắt Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, điểm tiếp nhận nước thải nhà máy tinh bột sắn Sơn La). Tại các vị trí quan trắc này do nước chảy qua khu vực đông dân cư, chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt của cộng đồng dân cư 2 bên bờ suối. Các vị trí này cần tiếp tục theo dõi để đánh giá chính xác về chất lượng nước.  

Về môi trường trầm tích, thông số Tổng Polyclobiphenyl (PCB) tại các vị trí quan trắc đều nằm trong GHCP. Nhóm thông số kim loại nặng như Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb), Kẽm (Zn), Thủy ngân (Hg)... chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm trong trầm tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng môi trường tỉnh Sơn La: Nhiều chỉ số ô nhiễm được cải thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO