Chắp cánh đường bay

Việt Hải| 19/05/2022 11:30

(TN&MT) - Một cá thể gà lôi tía quý hiếm, đẹp rực rỡ vừa bị bắn chết đã làm bàng hoàng những người làm công tác bảo tồn các loài chim; những mùa chim di cư không còn nhộn nhịp;

những đường bay gẫy cánh do súng săn, bẫy chim mồi, bẫy lưới trong suốt dài hàng cây số; những mánh khóe hành hạ buôn bán chim phóng sinh; nhan nhản nhà hàng, trưng biển công khai các món ăn từ chim;và mới đây, một chuyên viên làm công tác bảo tồn chim phải buồn bã thốt lên: E rằng, sếu đầu đỏ không quay về Vườn Quốc gia Tràm Chim nữa.

Thực trạng đang đặt ra những câu hỏi nhức nhối lòng người. Có phải chúng ta đang bất lực trước nạn săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư? Và những hồi chuông gióng lên chưa đủ sức để thức tỉnh, răn đe con người? Hay chính quy hoạch phát triển đang làm biến dạng môi trường sinh thái của chúng? Hay nói đúng hơn, là tất cả những nguyên do ấy?

Chiều ngày 17/5/2022, các trang thông tin điện tử, báo điện tử, trang Web của các cơ quan chức năng, facebook, zalo của đại diện tổ chức và cá nhân - những người có trách nhiệm, có lương tri, có tình yêu với các loài chim lập tức hân hoan truyền đi thông tin về việc Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 4/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu cấp thiết thiết lập hệ thống giám sát đường bay quan trọng của loài chim di cư; Xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, kinh doanh chim hoang dã; Tăng cường tuyên truyền pháp luật bảo vệ động vật hoang dã… với sự huy động đồng loạt các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng.

Khi một Chỉ thị cấp bách đưa ra, đồng nghĩa với sự việc đã đi đến hồi báo động nghiêm trọng; cũng đồng nghĩa, những giải pháp trước đây chưa đủ hiệu lực, hiệu quả; và những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân… trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng chưa đạt như mong muốn.

Là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 7 vùng chim đặc hữu, thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam hơn 900 loài chim.

Thế nhưng, đến nay, 99 loài trong đó cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

Thế nhưng, các cơ sở tiêu thụ, buôn bán chim, các trang bán công cụ bắt, bẫy chim kèm theo hướng dẫn sử dụng và tính năng cực kỳ lợi hại vẫn nhức nhối công khai. Những nỗ lực ngăn chặn của cơ quan chức năng và những người tâm huyết bảo vệ bảo tồn chưa thấm tháp vào đâu so với nạn săn bắt, tiêu thụ. Đau lòng hơn, không ít những người đang thực thi nhiệm vụ trở thành kẻ tiếp tay đẩy số phận loài chim vào tận diệt và thản nhiên tận hưởng thành quả có sự tiếp tay của mình.

Thế nhưng, đó vẫn chỉ là một trong các ngõ cụt của các đường bay.

Những người lâu năm gắn bó, hiểu đến chân tơ kẽ tóc từng tập tính của các loài chim hiểu rằng, một ngôi nhà bình yên không đơn thuần chỉ là bảo vệ các tác nhân xâm hại tấn công từ bên ngoài, mà còn thiết lập một môi trường an toàn, bình yên trong chính ngôi nhà ấy.

Phải chăng chúng ta đã can thiệp quá sâu vào môi trường - ngôi nhà "bất khả xâm phạm" của các loài chim bằng các quy hoạch phát triển, bằng sự quản lý chưa thấu đáo các vùng đất ngập nước, bằng sự cưỡng bức các quy luật dòng chảy vận hành tự nhiên theo mùa (mùa khô và mùa nước nổi), bằng thay đổi nguồn thức ăn, bằng các chuyển đổi mục đích cây trồng trên các vùng đặc hữu dành cho chim…

Phải chăng chúng ta đã từng bỏ qua cảnh báo từ các nhà điểu học?

Hy vọng tiếng chuông Chỉ thị số 4 đủ sức thấm thỉnh vào lòng người, và tiếng nói của những người am hiểu về chim đủ sức lay động đến gốc rễ vấn đề, để có những tư duy dù muộn vẫn phải đổi thay, đảo chiều tình thế, hồi phục lại những mất mát nguyên sơ, chắp cánh cho những đường bay bình yên trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chắp cánh đường bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO