(TN&MT) – Đó là nội dung được nêu ra tại Hội thảo ngày 28/7, do Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia Trung ương, địa phương, cơ quan quản lý, nghiên cứu cùng các đơn vị tổ chức liên quan.
Cây đa Sơn Trà- Cây Di sản Việt Nam
Cây cổ thụ thường gắn liền với các di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, đồng thời là biểu tượng linh thiêng trong không gian văn hóa Việt. Thực tế, ngay từ khi Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng phong trào Bảo tồn cây di sản, đã có rất nhiều cây cổ thụ được vinh danh Cây di sản Việt Nam như ở Hà Nội, Huế, Hải Dương và mới đây nhất là Cây đa Sơn Trà- Đà Nẵng… Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc và bảo vệ cây cổ thụ, cây Di sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cây di sản chịu rất nhiếu áp lực từ môi trường sống và những biện pháp chăm sóc không thích hợp của con người dẫn đến tình hình sức khỏe của cây trở nên tồi tệ. Do đó, cần có những biện pháp chăm sóc cây di sản một cách đúng kỹ thuật để giúp cây khỏe mạnh, chống chịu được với các loại sâu bệnh và kéo dài tuổi thọ. Song song việc bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ nói chung và cây Di sản nói riêng cũng cần sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng, các nhà khoa học và các tổ chức xã hội.
Quang cảnh Hội thảo
Hội thảo lần này tập trung vào chủ đề “Biến đổi khí hậu, chăm sóc cây cổ thụ- Cây di sản Việt Nam” với các tham luận về: Chăm sóc cây di sản; Truyền thông và việc chăm sóc cây cổ thụ; Những tác động có hại cần tránh đổi với cây Di sản khi trùng tu các di tích lịch sử- văn hóa; Cộng đồng với bảo tồn và phát triển cây Di sản; Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu ở Việt Nam; Cộng đồng sinh thái Việt Nam; Xây dựng chiến lược huy động cộng đồng bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…
Tin & ảnh: Xuân Lam