Môi trường

Chậm đầu tư 2 nhà máy xử lý rác hiện đại, giải pháp nào cho Đà Nẵng? Kỳ cuối: Đầu tư sớm một nhà máy - nhu cầu cấp thiết

Lan Anh - Hoàng Hiệp 14/09/2023 - 09:20

(TN&MT) - Thành phố Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư trước 1 nhà máy để đáp ứng yêu cầu cấp bách về xử lý rác, bảo đảm tiến độ thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030.

Quay về gần giống 4 năm trước

Qua quan sát của chúng tôi, sau 4 năm triển khai, việc đầu tư 2 nhà máy xử lý rác (NMXLR) của Đà Nẵng có vẻ như đang quay về gần giống thời điểm giữa năm 2019 khi Công ty CP Môi trường Việt Nam đề nghị được chuyển đổi công nghệ dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày. Thời điểm đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng có chủ trương chấm dứt thỏa thuận với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về tư vấn dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), theo hình thức đầu tư PPP (do đầu tư theo hình thức PPP là không khả thi).

khanhson1.jpeg
5 hộc rác tại bãi rác Khánh Sơn đã hết công suất chứa, việc đầu tư các nhà máy xử lý rác thải rắn càng trở nên cấp bách.

Hiện nay, Công ty CP Môi trường Việt Nam đang phối hợp với Công ty CP Tập đoàn AMACCAO đề xuất thành phố điều chỉnh chủ trương đầu tư, chuyển đổi công nghệ của dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày. Còn dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày đang lâm vào “bế tắc” bởi những vướng mắc khó gỡ.

Để tháo gỡ vướng mắc về việc đầu tư dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày, ông Lê Công Hùng - đại diện Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland - Khu vực miền Trung (Liên danh EcoPark) đề nghị HĐND TP. Đà Nẵng cần mạnh dạn điều chỉnh hình thức đầu tư từ đối tác công - tư (PPP) sang hình thức đầu tư xã hội hóa như cách mà tỉnh Quảng Nam đã làm đối với dự án NMXLR Bắc Quảng Nam (huyện Đại Lộc) để nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng nhà máy.

Từ những ưu, nhược điểm về đầu tư, công nghệ... của 2 NMXLR, một số chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý gợi ý, thành phố Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư để sớm đầu tư trước dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý rác của thành phố vì thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư không còn là vướng mắc lớn, nhiều thủ tục, công việc liên quan đến đầu tư dự án được kế thừa từ kết quả thực hiện trong 4 năm qua.

Trong quá trình thực hiện các thủ tục và thi công nhà máy này, thành phố có thể theo dõi, tham khảo kinh nghiệm đầu tư, vận hành của Nhà máy điện rác Seraphin (Hà Nội) và một số nhà máy có công nghệ đốt rác phát điện sử dụng lò ghi của hãng Martin (Đức) đã, đang xây dựng tại Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế... Sau khi giai đoạn 1 của dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày đi vào hoạt động, thành phố cần nhanh chóng đánh giá hiệu quả để có triển khai đầu tư giai đoạn 2, nâng tổng công suất xử lý rác của nhà máy lên 1.300 tấn/ngày.

Còn đối với dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày, vì thủ tục chuẩn bị đầu tư còn nhiều vướng mắc và kéo dài, thành phố cần có sự điều chỉnh và tham khảo việc đầu tư, vận hành 2 NMXLR Soi Nam (Hải Dương) và Bắc Quảng Nam (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để cân nhắc đầu tư sao cho phù hợp, hiệu quả. Thành phố cần cân nhắc về mặt công nghệ để đạt hiệu quả về mặt môi trường, không để ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

“Về mặt lý thuyết, 2 dự án NMXLR của thành phố đều tốt, thành phố cần kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện đáp ứng đúng theo dự án. Nhưng theo tôi, thành phố cần nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để triển khai dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày theo hướng đốt rác phát điện như Công ty CP Môi trường Việt Nam đề xuất và nâng công suất nhà máy này để đáp ứng yêu cầu xử lý rác của thành phố vì công nghệ phù hợp, thủ tục đầu tư dễ dàng và hoàn thành nhanh hơn”, PGS.TS Trần Thanh Sơn - Trưởng Khoa Công nghệ nhiệt - điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đề nghị.

Đồng bộ thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý rác

Đà Nẵng đang xây dựng Thành phố môi trường, áp lực xử lý rác thải rắn ngày càng lớn khi lượng rác phát thải gia tăng. Trong bối cảnh dự án NMXLR vẫn chưa được triển khai, hộc chôn lấp rác số 6 dự kiến sẽ đầy vào năm 2025, Đà Nẵng đang triển khai các thủ tục để đầu tư hộc chôn lấp rác số 7; quy hoạch, đầu tư hộc số 8 để chôn lấp tro, xỉ của 2 NMXLR.

rac10.jpg
Đà Nẵng đã đầu tư một trạm trung chuyển rác hiện đại tại đường Lê Thanh Nghị (Đà Nẵng)

Đồng thời, thành phố cũng sắp triển khai đầu tư trạm trung chuyển rác ở khu vực quận Cẩm Lệ và thực hiện các thủ tục đầu tư một số trạm trung chuyển rác khác để rác sinh hoạt thu gom trong thành phố được ép nhằm tăng nhiệt trị, hỗ trợ và đồng bộ với công nghệ xử lý rác...

Cùng với đó, Đà Nẵng cũng đang nghiên cứu, xúc tiến kêu gọi đầu tư 1 nhà máy xử lý, tái chế xà bần, giá hạ; nhà máy xử lý chất thải nguy hại; nhà máy xử lý bùn thải, phân bùn bể phốt...

Vừa qua, tại buổi tọa đàm khoa học “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Luật Bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” diễn ra vào ngày 10/8, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam cho rằng, hiện nay, về cơ bản, đã quy hoạch thành một Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với các phân khu chức năng như: khu xử lý rác sinh hoạt, khu xử lý rác thải xây dựng, khu xử lý chất thải nguy hại... Thành phố có chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý rác, dự kiến năm 2024, sẽ khởi công NMXLR sinh hoạt với công suất 650 tấn rác khô/ngày (tương đương 850 tấn rác ướt/ngày) có công nghệ phù hợp với thành phố Đà Nẵng - công nghệ đốt rác phát điện. Khi nhà máy này đưa vào sử dụng sẽ giải quyết cơ bản một phần rác thải.

“Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong chính sách kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực xử lý rác thải... Hiện thành phố đang động viên Công ty CP Tập đoàn AMACCAO (đang đầu tư dự án Nhà máy điện rác Seraphin - Hà Nội) đầu tư NMXLR sinh hoạt có công suất 650 tấn/ngày”, ông Lê Quang Nam nói.

Bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc để triển khai xây dựng NMXLR với công nghệ hiện đại, Đà Nẵng cần tập trung đầu tư hạ tầng, công trình, giải pháp phục vụ phân loại, tái chế, thu gom, vận chuyển rác đồng bộ với công nghệ xử lý rác là hết sức cần thiết. Đây là những tiền đề quan trọng để đáp ứng các mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái, bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai đã được khẳng định trong chương trình hành động của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm đầu tư 2 nhà máy xử lý rác hiện đại, giải pháp nào cho Đà Nẵng? Kỳ cuối: Đầu tư sớm một nhà máy - nhu cầu cấp thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO