Môi trường

Chậm đầu tư 2 nhà máy xử lý rác hiện đại, giải pháp nào cho Đà Nẵng? - Kỳ 1: Nhiều vướng mắc, khó khăn

Hoàng Hiệp - Lan Anh 07/09/2023 - 10:34

(TN&MT) - Dù đã 4 năm triển khai các thủ tục, nhưng đến nay, 2 dự án nhà máy xử lý rác (NMXLR) ở Đà Nẵng với công nghệ hiện đại, giảm tỷ lệ chôn lấp đều đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhanh thành... chậm

Vào năm 2019, Công ty CP Môi trường Việt Nam từ bỏ nhà máy phân loại, tái chế và đốt rác thủ công hiện trạng ở bãi rác Khánh Sơn (3 dây chuyền phân loại rác có tổng công suất 650 tấn/ngày, 1 dây chuyền sản xuất dầu PO, 1 dây chuyền sản xuất gạch block không nung, 1 lò đốt rác, 1 dây chuyền sản xuất viên đốt nhiên liệu công nghiệp RDF...) và đề nghị được chuyển đổi công nghệ nhà máy sang đốt rác phát điện theo mô hình của nhà máy điện rác tại TP. Cần Thơ.

12aa.jpg
Công nghệ xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn vẫn là chôn lấp

Trả lời chất vấn tại kỳ họp 12, HĐND thành phố khóa X (ngày 19/7/2023), Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng Phạm Nam Sơn cho rằng, dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày kéo dài qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều thủ tục. Hiện nay, chủ đầu tư đã lập dự án điều chỉnh, nâng công suất... và cam kết hoàn thành đầu tư sau 20 tháng sau khi thành phố phê duyệt dự án. Hồ sơ dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày đang được trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và trình hội đồng thẩm định của thành phố thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo hình thức đầu tư PPP.

Trước áp lực cấp bách của công tác xử lý rác sinh hoạt, tại Thông báo số 191/TB-VP ngày 16/5/2019, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng thống nhất nguyên tắc cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam được liên danh với nhà đầu tư nước ngoài để chuyển đổi công nghệ, đầu tư NMXLR có công suất 650 tấn/ngày.

Dự án này được thành phố kỳ vọng có thể hoàn thành thủ tục đầu tư nhanh và sớm do là dự án chuyển đổi công nghệ dựa trên một dự án đã phê duyệt, không phải là dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, sau một thời gian dài gặp nhiều vướng mắc về thực hiện các thủ tục, ngày 17/8/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 2430/SKHĐT-DN thông báo việc nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua phần vốn góp để thực hiện dự án là không đáp ứng được điều kiện bảo đảm an ninh, quốc phòng theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.

Không liên danh được với đối tác nước ngoài, để được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và tiếp tục triển khai dự án, năm 2022, Công ty CP Môi trường Việt Nam chuyển sang hợp tác với 1 doanh nghiệp trong nước là Công ty CP Tập đoàn AMACCAO thực hiện dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày. Theo đề xuất điều chỉnh dự án của công ty, NMXLR có công suất 650 tấn/ngày sử dụng công nghệ đốt rác phát điện bằng lò ghi cơ học của Công ty Martin (Đức). Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu của dự án được đề xuất là 2.021 tỷ đồng, trong đó có đến 80% tổng số vốn phải vay từ các tổ chức tín dụng.

Công ty đã nộp hồ sơ điều chỉnh đầu tư dự án, gồm: chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện, nâng tổng vốn đầu tư, nâng công suất... dự kiến thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng từ quý 3/2026.

“Hiện nay, doanh nghiệp đang đề xuất UBND thành phố điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại bãi rác Khánh Sơn - Đà Nẵng. Doanh nghiệp đang triển khai các thủ tục để đầu tư dự án”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết.

Vướng mắc đầu tư theo PPP

Cũng trong năm 2019, UBND TP. Đà Nẵng có chủ trương nghiên cứu đầu tư dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày theo hình thức đối tác công - tư (PPP) tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn. Đến ngày 31/7/2020, UBND Đà Nẵng ban hành Công văn số 5041/UBND-STNMT thống nhất lựa chọn Liên danh EcoPark (Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty CP Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Huy Hoàng, Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco) là nhà đầu tư đề xuất dự án này.

12bb.jpg
Hộc rác số 6 (trái) dự kiến sẽ hết công suất chứa vào năm 2025, công tác xử lý rác của Đà Nẵng đang là yêu cầu cấp bách.

Cuối năm 2020, HĐND TP. Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 333/NQ-HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn theo hình thức PPP.

Ông Lê Công Hùng - đại diện Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland - Khu vực miền Trung (Liên danh EcoPark) cho biết, công nghệ của dự án NMXLR 1.000 tấn/ngày là tổ hợp các công nghệ xử lý rác (phân loại, thu hồi các thành phần, tái chế, đốt rác...) với tổng vốn đầu tư 823 tỷ đồng theo mô hình của NMXLR Bắc Quảng Nam (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và nhà máy xử lý rác đã chôn lấp tại bãi rác Soi Nam (tỉnh Hải Dương). Hiện đơn vị đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay còn nhiều công việc, thủ tục mà thành phố cần thực hiện đối với dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày, đó là: tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán và ký hợp đồng với nhà đầu tư được lựa chọn; thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng... Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục nói trên dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác đàm phán, ký hợp đồng sẽ gặp nhiều rủi ro, quá trình thương thảo hợp đồng có thể sẽ bị kéo dài, đặc biệt là thương thảo liên quan đến giá, công nghệ...

Theo ông Lê Công Hùng, nhiều địa phương đang gặp vướng mắc về đầu tư NMXLR theo hình thức PPP, đặc biệt là việc phê duyệt đơn giá xử lý rác. Sau khi đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thương thảo hợp đồng, trong đó có đơn giá xử lý rác. Tuy nhiên, khi chưa xây dựng NMXLR thì không thể có được đơn giá xử lý 1 tấn rác và như vậy, cơ quan có thẩm quyền không thể thương thảo hợp đồng được với nhà đầu tư đã trúng thầu. Nghĩa là giữa cơ quan có thẩm quyền và đơn vị xử lý rác có nguy cơ không thể ký được hợp đồng trước khi xây dựng nhà máy. Nhà đầu tư đã trúng thầu có nguy cơ không thể có cơ hội cầm được hợp đồng này để vay tiền để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác theo hình thức PPP.

“Việc đầu tư NMXLR chỉ có thể phù hợp với đơn vị trúng thầu có nguồn lực tài chính, tự bỏ vốn đầu tư, không phải đi vay cho đến khi đưa được nhà máy vào hoạt động thì mới có được đơn giá xử lý rác. Đầu tư NMXLR thì đừng vay tiền vì nếu làm không hiệu quả, bị phá sản thì rất khổ cho địa phương vì cơ quan có thẩm quyền đã bảo lãnh cho nhà đầu tư vay tiền”, ông Lê Công Hùng bày tỏ.

Kỳ 2: Tránh đi vào vết xe đổ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm đầu tư 2 nhà máy xử lý rác hiện đại, giải pháp nào cho Đà Nẵng? - Kỳ 1: Nhiều vướng mắc, khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO