Hơn 10 năm trước, Đà Nẵng vốn nổi tiếng là một đô thị có tốc độ phát triển nhanh. Những tiêu chí về một đô thị bền vững cũng đã được lãnh đạo thành phố này nhiều lần nhắc đến. Song, phát triển nhanh, Đà Nẵng đã phải đối mặt với tình trạng thiếu cây xanh trầm trọng. Đã có một quãng thời gian, nhìn từ trên cao, thành phố này chỉ toàn những khu đô thị mới, những đường phố mới “phơi mình” dưới cái nắng gay gắt của miền Trung.
Để “phủ xanh” thành phố, giới chức ở đây cũng đã rốt ráo phê duyệt các quyết định và rót kinh phí chỉnh trang cây xanh. Nhưng thay vì cần phải trồng những loài cây phù hợp với thổ nhưỡng, tạo mảng xanh và bảo đảm các yếu tố về an toàn, môi trường thì người ta lại thấy xuất hiện một loạt loại cây có tính độc rất cao như: Trúc đào, cây Sò đo cam (một loài cây được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN, liệt vào danh sách 100 loại sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng)...
Xanh - đang là tiêu chí hướng tới của nhiều thành phố |
Cũng tại đô thị miền Trung, hơn 10 năm trước, ở thành phố Đồng Hới - Quảng Bình, người ta đã nhập về trồng hàng trăm cây hoa sữa. Nhưng rồi chỉ một thời gian sau, những cây hoa sữa ấy đã phải đốn hạ khi mới đang độ thanh xuân và nở tung những làn hương thơm đầu đời. Ngày đưa cây về trồng hân hoan bao nhiêu thì ngày hạ cây xuống tức tưởi bấy nhiêu. Mùi hoa sữa nồng nàn vốn đã đi vào thi ca, nổi tiếng trên đường phố Hà Nội đã bị người ta yêu đến thái quá khiến người dân đô thị này phải ngộp thở mỗi khi đêm xuống.
Sau thắng lợi trồng 1 triệu cây xanh, Hà Nội đang trồng thêm hơn nửa triệu cây xanh nữa.
Giờ đây, một triệu cây xanh ở Hà Nội đang trong kỳ bén rễ, xanh lá. Cũng đã có những khoảng xanh mới trên các cung đường mới. Hà Nội đã có sự phát triển trên nhiều cung bậc. Nhưng dường như, cảm nhận về một không gian “xanh thật sự” vẫn chưa toàn vẹn bởi còn đó những khoảng “trống màu xanh” do sự lấn át của bê tông ken dày trong đô thị. Không những thế, dư âm về chuyện đánh đổi hàng nghìn cây xanh cổ thụ cho những con đường mới vẫn chưa dứt.
Tiếp nữa, tuần qua, Hà Nội râm ran thông tin thay thế hàng cây phong trồng thử nghiệm hơn hai năm nay trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng. 262 cây phong do Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường tặng thành phố được trồng thử nghiệm từ năm 2018. Bước đầu cho thấy, cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Trong đó, có 45 cây đã chết. Trong số 217 cây sống, hiện trạng các cây sinh trưởng, phát triển kém; cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh.
Những bài học từ các trường hợp kể trên, cho thấy, còn không ít bất cập, lúng túng trong quản lý, phát triển đô thị.
Phủ xanh đô thị, không phải là bài toán cộng dồn số cây trồng được. Chẳng hạn như với Thủ đô, những cuộc ra quân rầm rộ trồng cây cho các khu đô thị, các vùng ven không thể “cộng thêm” được khoảng xanh cho quận Đống Đa hay Thanh Xuân vốn dĩ hiện đã ken dày nhà ở. Đó là chưa kể, giữa vùng lõi Thủ đô, còn không ít nơi, các dự án chiếm đất vẫn để đó hoang hóa.
Thế nên, việc xác định và có kết luận khoa học trong câu chuyện trồng loại cây gì ở mỗi đô thị là vô cùng quan trọng. Việc hăng hái trồng thêm cây xanh ở các đô thị là rất tốt, nhưng cũng cần được xem xét ở góc độ giá trị lâu dài hơn là những trang trí hay “làm hồng” trong các bản báo cáo.
Một tòa nhà, một khu đô thị có thể xây dựng trong một vài năm hay… một nhiệm kỳ. Nhưng để thành phố xanh, để là đô thị xanh cần phải mất một thời gian dài hơn thế nhiều. Lựa chọn màu xanh cho đô thị ngày hôm nay không thể cứ thích cây nào trồng cây đó - bởi nếu không, những mảng xanh “tùy hứng” ấy rất dễ phản tác dụng, thậm chí còn có nguy cơ trở thành “độc dược” với đô thị hoặc lãng phí tiền của không đáng có.