Cây đước - Tấm chắn bão và ngăn nước biển dâng

10/10/2014 00:00

(TN&MT) - Cây đước ở những vùng ven biển giống như tấm chắn bão và ngăn nước biển dâng bảo vệ bờ biển trước những tác động do biến đổi khí hậu.

(TN&MT) - Cây đước ở những vùng ven biển giống như tấm chắn bão và ngăn nước biển dâng bảo vệ bờ biển trước những tác động do biến đổi khí hậu. Ngoài ra, đây còn là loài cây đóng vai trò quan trọng trong đa dạng sinh học và có thể tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
   
  Vừa qua, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã kêu gọi các nước và các tổ chức tài trợ quốc tế thành lập “Quỹ trồng đước toàn cầu” với mục đích bảo vệ và phát triển loài cây này.
   
  UNEP kêu gọi thiết lập các chương trình quốc tế khuyến khích bảo tồn rừng và cây đước, bao gồm các cam kết cắt giảm lượng khí thải cácbon và tài trợ cho các dự án khuyến khích cộng đồng bảo tồn và phát triển loài cây này.
   
  Theo đề xuất của UNEP, “Quỹ trồng đước toàn cầu” sẽ được sự tài trợ và đóng góp của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), chính phủ các nước và Liên hợp quốc.
   
  Ngoài ra, còn có các sáng kiến hỗ trợ về kinh tế khác giúp bảo tồn và khôi phục giống cây đước, như cung cấp việc làm, tạo cơ hội tăng thu nhập từ việc phát triển ngư nghiệp và canh tác tôm bền vững, phát triển các sản phẩm từ đước, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
   
Rừng đước ở Cà Mau
   
  Báo cáo của UNEP đã chỉ ra những lợi ích đặc biệt của loài cây đang dần biến mất này. Các hệ đước rậm rạp sinh sôi trong nước lợ không chỉ là nơi cư trú của rất nhiều loài sinh vật đang bị đe dọa mà còn là nguồn cung cấp hoa lợi trực tiếp hoặc gián tiếp. Không những thế, chúng còn đóng vai trò như tấm chắn bão và nước biển dâng bảo vệ bờ biển khỏi các đợt sóng mạnh.
   
  Các nghiên cứu về thảm họa sóng thần xảy ra tại Nam Á cho thấy hàng nghìn người đã được cứu sống tại những nơi mà hệ đước vẫn còn được duy trì thay vì bị tàn phá để nuôi trồng hải sản và xây dựng khách sạn.
   
  Cũng theo UNEP, hiện hơn 1/4 diện tích đước đã biến mất, tốc độ tàn phá loài cây này đang diễn ra ở mức gấp ba lần tốc độ phá rừng, đồng nghĩa với sự gia tăng khí nhà kính như Methane và CO2 phát thải từ thảm thực vật và lớp trầm tích khi loại cây bị tàn phá bởi có tới khoảng 1/5 lượng thải CO2 từ các cánh rừng có nguồn gốc từ cây đước.
   
Phạm Lê
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây đước - Tấm chắn bão và ngăn nước biển dâng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO