Câu chuyện đan túi vải thay túi ni lông ở trường Spring Hill

Hoàng Ngân| 22/09/2019 09:43

(TN&MT) – Tại ngôi trường này, từ mầm non đến trung học, các bạn học sinh đều học được cách phân loại rác, chế biến rác thải hữu cơ thành nước tẩy rửa sinh học, tận dụng vải thừa để đan túi hay dùng các nguyên liệu tự nhiên để làm thuốc trừ sâu sinh học.

Vải vụn từ các nhà máy may, nhà máy dệt hay như quần áo cũ từ cộng đồng cũng được nhà trường thu gom, xin về. Từ những vải đó, nhà trường xây dựng dự án: “Tạo túi bằng sợi vải đan”. Túi vải đan này dùng để mang đi chợ, siêu thị đựng hành, tỏi, đựng khoai tây, hay củ quả… Túi được đan rất chắc chắn nên có thể tái sử dụng nhiều lần, nếu như bẩn thì có thể giặt sạch.

Học sinh đang chắt nước Enzyme sau quá trình ủ từ 3 5 tháng
Các em học sinh trường Spring Hill chế tạo nước tẩy rửa sinh học

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, thầy Nguyễn Đức Quang – nhà sáng lập và điều hành trường Spring Hill chia sẻ: “Thường thì đống vải vụn đó sẽ bị vứt đi nhưng mình đi gom lại, đan thành túi vải để tái sử dụng nhiều lần thành món đồ có ích. Năm ngoái, nhờ có thầy cô hướng dẫn mà học sinh đã làm được ra cả những cái thảm từ vải vụn. Sản phẩm tới bây giờ vẫn còn sử dụng trong nhà trường và cũng có bán cho phụ huynh, mọi người rất là ủng hộ. Tuy nhiên, năm học này chúng tôi sẽ không đan thảm nữa vì mất khá nhiều thời gian”.

Thầy Nguyễn Đức Quang cũng cho biết, hiện nhà trường đang tập trung đan túi vải với nhiều kích cỡ, hình dạng khác nhau. Các túi tạo ra được tặng cho gia đình học sinh hoặc bán nhằm khuyến khích các bà, các mẹ khi đi chợ cố gắng sử dụng những cái này thay vì túi ni lông. Hành động này sẽ giúp tuyên truyền đến người dân ý thức nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa.

Bên cạnh dự án “Tạo túi bằng sợi vải đan”, học sinh trường Spring Hill từ mầm non đến cấp hai cũng được thầy cô hướng dẫn thực hiện dự án “Garbage Enzyme - nước tẩy rửa sinh học” từ cuối năm 2018. Hàng tuần, các lớp sẽ có tiết dự án, mỗi học sinh được hướng dẫn mang đến trường một chai nhựa, sau đó được hướng dẫn làm nước Enzyme.

Thảm thành phẩm do chính tay các bạn học sinh làm
Chiếc thảm làm từ vải vụn của các em học sinh

“Rác thải từ nhà bếp khi vứt ra thùng rác sẽ có mùi hôi thối, ruồi muỗi, khó chịu. Rác thải nhựa khó phân hủy và gây hại đến môi trường. Đây chính là lý do dự án ra đời” - thầy Nguyễn Đức Quang chia sẻ về lý do hình thành ý tưởng trên.

Được biết cách làm nước tẩy rửa sinh học ở đây cũng khá đơn giản. Rác vỏ hoa quả, củ sẽ được cho vào 1 bình nhựa, dùng một lượng đường nhỏ bỏ vào bình nhựa để lên men thành nước tẩy rửa sinh học. Nước của bình lên men lần đầu tiên sẽ được sử dụng để làm mồi cho lần sau. Trong quá trình lên men, học sinh được hướng dẫn mở nắp bình 1- 2 lần mỗi ngày để thoát khí, quan sát áp suất bên trong làm bình phình ra, theo dõi sự chuyển biến màu sắc và mùi của nước trong bình lên men, sự chuyển biến của vỏ quả trong bình.

Thầy Nguyễn Đức Quang nhà sáng lập và điều hành trường Spring Hill
thầy Nguyễn Đức Quang – nhà sáng lập và điều hành trường Spring Hill

Sau 3 đến 5 tháng ngâm, sản phẩm nước enzyme được tạo ra từ rác vỏ hoa quả sẽ dùng để lau chùi, vệ sinh sàn nhà, cọ bồn cầu, vệ sinh nhà bếp, rửa bát. Hiện tại, sản phẩm đang được dùng trong nhà trường và đem tặng cho phụ huynh học sinh trong trường. Đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn và tiết kiệm được khoản chi phí mua các chất tẩy rửa hóa học nên nhận được sự hưởng ứng vô cùng tích cực từ phía phụ huynh và nhân viên vệ sinh trong trường.

Thầy Nguyễn Đức Quang cho hay: “Sắp tới nhà tường sẽ cho học sinh thử nghiệm phun nước enzyme lên các chuồng vật nuôi để giảm mùi hôi thối, vì trong nước enzyme có các chất men có thể để phân hủy các chất hôi thối. Ngoài ra, nhà trường còn có rất nhiều dự án nhỏ cho học sinh thực hiện như đi nhặt rác, phân loại rác khu dân cư xung quanh, trồng rau, ươm hoa màu để làm cây cảnh, làm sung muối…”.

Thông qua các hoạt động trên, học sinh được trải nghiệm, hiểu được ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường. Từ đó các em sẽ hình thành ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường và lan tỏa những hành động đẹp đó tới nhiều người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện đan túi vải thay túi ni lông ở trường Spring Hill
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO