Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 30/3: Thế giới có hơn 720.000 ca nhiễm; Ý thông qua gói 4,7 tỉ Euro hỗ trợ người bị ảnh hưởng

Mai Đan| 30/03/2020 10:25

(TN&MT) - Tính đến 7h30 sáng 30/3, trên toàn thế giới đã có 721.330 người mắc, 32.956 người tử vong vì COVID-19. Theo EPHA, những người sống ở các thành phố bị ô nhiễm có thể có nguy cơ cao hơn từ COVID-19.

Không khí sạch hơn tại châu Âu sau lệnh phong tỏa vì COVID-19

Ngày 30/3, hình ảnh vệ tinh mới cho thấy ô nhiễm không khí đã giảm ở các khu vực đô thị trên khắp châu Âu trong thời gian phong tỏa vì COVID-19, nhưng các nhà vận động cảnh báo người dân thành phố vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn.

Các thành phố bao gồm Brussels (Bỉ), Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Milan (Ý) và Frankfurt (Đức) cho thấy nồng độ trung bình của nitơ dioxide độc ​​hại trong khoảng thời gian từ ngày 5-25/3 đã sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, theo hình ảnh vệ tinh Sentinel-5.

Khoảng thời gian này cũng là thời điểm các nước châu Âu tiến hành lệnh phong tỏa, hạn chế vận chuyển đường bộ - nguồn nitơ ôxít lớn nhất - và làm chậm sản lượng tại các nhà máy phát thải khí.

Những hình ảnh mới, do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) công bố và được phân tích bởi Liên minh châu Âu vì sức khỏe cộng đồng (EPHA), cho thấy sự thay đổi về mật độ khí nitơ dioxit (NO2) trong khí quyển - có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và ung thư - như bản đồ nhiệt.

Dữ liệu từ Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho thấy xu hướng tương tự trong thời gian từ ngày 16-22/3. Tại Madrid, Tây Ban Nha, nồng độ NO2 trung bình giảm 56% mỗi tuần sau khi chính phủ nước này cấm đi lại không cần thiết kể từ ngày 14/3.

Theo EPHA, những người sống ở các thành phố bị ô nhiễm có thể có nguy cơ cao hơn từ COVID-19, vì việc tiếp xúc lâu với không khí ô nhiễm có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến việc chống nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn.

Toàn cảnh Tháp Nam trong thời gian phong tỏa tại Bỉ để làm chậm sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, tại Brussels vào ngày 27/3/2020. Ảnh: Reuters

Ô nhiễm không khí có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh ung thư phổi, bệnh phổi và đột quỵ.

Trung Quốc cũng ghi nhận sự sụt giảm nồng độ NO2 gây ô nhiễm ở các thành phố trong tháng 2, khi chính phủ nước này thực thi lệnh phong tỏa hà khắc để ngăn chặn dịch bệnh hoành hành.

“Trong thời dịch COVID-19, tại châu Âu, đã có rất nhiều quốc gia tiến hành lệnh phong tỏa, chẳng hạn như Anh đã bắt đầu phong tỏa từ ngày 23/3 nhằm khắc phục ô nhiễm trong những tuần tới”, EPHA cho biết.

Theo dữ liệu EEA, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 400.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở châu Âu.

Tổng thống Trump ủng hộ kế hoạch mở lại các doanh nghiệp vào giữa tháng 4

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/3 đã gia hạn yêu cầu người dân ở nhà cho đến cuối tháng 4, sau khi một cố vấn y tế hàng đầu cho biết hơn 100.000 người Mỹ có thể chết vì sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.

Theo Tổng thống Trump, đỉnh điểm của tỷ lệ tử vong tại Mỹ có thể sẽ xảy ra sau hai tuần nữa.

Trước đó vào ngày 29/3, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia nói với CNN rằng đại dịch có thể làm chết khoảng 100.000 đến 200.000 người ở Mỹ nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ông Trump mong muốn các doanh nghiệp Mỹ sẽ mở cửa trở lại vào Lễ Phục sinh trong ngày 12/4.

Tuyên bố này của ông Trump đi ngược lại khuyến cáo của các quan chức y tế cộng đồng, bao gồm siết chặt các biện pháp hạn chế về tiếp xúc nơi công cộng mà Mỹ đã thực hiện trong tuần qua để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Một nhân viên y tế đi cạnh nhà xác tạm thời đặt bên ngoài lều y tế Lenox khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát ở New York, Mỹ vào ngày 29/3/2020. Ảnh: Reuters

Các thống đốc của ít nhất 21 tiểu bang, đại diện cho hơn một nửa dân số Mỹ với 330 triệu người, đã đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu và yêu cầu người dân ở trong nhà.

Khi được hỏi trong cuộc họp ngắn, liệu ý tưởng về việc mở của trở lại các doanh nghiệp vào giữa tháng 4 có phải là một sai lầm hay không, ông Trump cho biết đó chỉ là mong muốn của ông và ông tin rằng Mỹ có thể phục hồi kinh tế vào ngày 1/6.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không muốn áp đặt biện pháp phong tỏa toàn quốc do lo ngại tác động xấu đến kinh tế và muốn mọi người mau chóng quay trở lại làm việc. Tuyên bố của ông Trump được đa số giới nhà giàu và giám đốc điều hành một số công ty Mỹ ủng hộ.

Ý thông qua gói biện pháp 4,7 tỉ euro hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Tổng số ca nhiễm mới tại Ý trong ngày 29/3 tăng thêm 5.217 ca, nâng tổng số người mắc lên đến 97.689 ca. Hiện số ca nhiễm của Ý chỉ đứng sau Mỹ - nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới.

Cùng ngày, Ý xác nhận thêm 756 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 10.779. 

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã thông qua gói biện pháp mới trị giá 4,7 tỉ euro (tương đương 5,24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.

Theo đó, chính phủ sẽ dành 4,3 tỉ euro cho chính quyền các thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt trị giá 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Cũng nhằm kiểm soát dịch bệnh, Bộ trưởng Giáo dục Ý Lucia Azzolina cho biết quyết định đóng cửa các trường học, bắt đầu từ ngày 5/3, sẽ được gia hạn đến hết ngày 3/4.

Nhiều nước xác nhận số người chết gia tăng

Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tính đến hết ngày 29/3, nước này xác nhận 78 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 9.661 trường hợp. Trong khi đó, tổng số ca tử vong ở Hàn Quốc là 158 và 195 người đã hồi phục.

Tại Mexico, trong ngày 29/3, Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 145 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 993 và 20.

Tại Anh, đã có thêm 209 người chết vì COVID-19 tính đến rạng sáng 30/3, nâng tổng số ca tử vong tại nước này từ đầu dịch đến nay lên 1.228. Trong khi đó, nước này xác nhận thêm 2.433 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 19.552.

Ngày 29/3, Panama có thêm 7 người chết vì COVID-19, nâng tổng số số ca tử vong lên 24. Cùng ngày, nước này có 88 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 989.

Trung Quốc xác nhận 4 ca tử vong mới và 31 ca nhiễm trong ngày 29/3, trong đó chỉ có 1 ca lây nhiễm trong nước. Những con số trên nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở lục địa Trung Quốc lên đến 3.304 và tổng số ca nhiễm là 81.470.

Cũng tại Trung Quốc, Đài Loan xác nhận người thứ 3 tử vong vì dịch bệnh. Bệnh nhân 40 tuổi này nhiễm COVID-19 từ nước ngoài sau khi đi du lịch ở Áo và Cộng hòa Séc. Đài Loan đã có 298 ca nhiễm.

Cập nhật lúc 7h30 ngày 30/3/2020:

Thế giới: 721.330 người mắc, 32.956 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 141.812 người mắc; 2.475 người tử vong.
- Trung Quốc: 81.439 người mắc; 3.300 người tử vong.
- Ý: 97.689 người mắc; 10.779 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 80.110 người mắc; 6.803 người tử vong.

Việt Nam: 194 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

9 bệnh nhân (BN18, BN22, BN23, BN35, BN64, BN66, BN79, BN90) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 29/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Theo Tổng hợp từ Reuters, Tân Hoa Xã & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 30/3: Thế giới có hơn 720.000 ca nhiễm; Ý thông qua gói 4,7 tỉ Euro hỗ trợ người bị ảnh hưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO