Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 23/3: Hơn 32.000 ca nhiễm ở Mỹ, Hàn Quốc gần 9.000 người mắc

Mai Đan| 23/03/2020 09:50

(TN&MT) - Châu Âu tiếp tục là châu lục có số ca tử vong vì nhiễm virus corona tăng mạnh. Trong khi đó, toàn thế giới xác nhận hơn 14.000 ca tử vong và hơn 335.000 ca nhiễm.

41 nước châu Phi có gần 1.200 ca nhiễm

Ngày 22/3, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi) công bố tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 tại 41 quốc gia châu Phi đã lên tới 1.198 ca.

Gui Xin (bên phải) từ Bệnh viện số 1 Vũ Hán ôm Wang Bokun, một nhân viên y tế từ Thiên Tân, khi Wang rời khỏi Vũ Hán vào ngày 21/3/2020. Ảnh: Fei Maohua / Tân Hoa Xã

“Trong tổng số ca nhiễm này, 37 ca đã tử vong tại 7 quốc gia, trong đó nhiều nhất ở Ai Cập, Nam Phi, Algeria và Maroc. 108 ca nhiễm COVID-19 trên toàn châu lục này đã được điều trị khỏi bệnh và hồi phục” - CDC Châu Phi cho biết.

Mỹ: Hơn 32.000 ca nhiễm, 400 ca tử vong

Ngày 22/3, tại Mỹ, Thượng nghị sĩ đầu tiên nhiễm bệnh COVID-19. Bệnh nhân là Thượng nghị sĩ Cộng hoà Rand Paul thuộc bang Kentucky.

“Tôi cảm thấy ổn và đang được cách ly. Tôi không có triệu chứng nhưng được xét nghiệm để đề phòng vì đã đến nhiều nơi và tham gia nhiều sự kiện. Tôi không nhớ đã tiếp xúc trực tiếp với những ai, những người có bị nhiễm bệnh hay không” - ông Rand Paul viết trên Twitter.

Kênh CNN đưa tin, ngành y tế Mỹ xác nhận ít nhất 32.149 trường hợp nhiễm COVID-19 tại nước này và 400 người đã chết.

Hàn Quốc xác nhận gần 9.000 người mắc

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin, tính đến hết ngày 22/3, Hàn Quốc ghi nhận thêm 64 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.961.

Số ca nhiễm cũng tăng tại nhiều quốc gia khác. Tại Ý - vùng dịch lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc, chỉ trong vòng 24 giờ, nước này xác nhận 5.560 ca nhiễm mới và 651 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 59.138 và 5.476.

Một con đường vắng vẻ sau khi Ý tăng cường các biện pháp phong tỏa để chống lại dịch bệnh COVID-19 ở Catania, Ý vào ngày 21/3/2020. Ảnh: REUTERS / Antonio Parrinello

Dựa trên nghiên cứu về 3.200 ca tử vong ban đầu ở Ý, Viện Y tế Quốc gia (ISS) cho biết khoảng 98,8% người chết vì COVID-19 có ít nhất một bệnh lý nền.

Iran vẫn đang là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc đại lục, với 21.638 ca nhiễm và 1.685 ca tử vong.

Trong khi đó, Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu khi tính đến hết ngày 22/3, nước này ghi nhận 28.603 ca nhiễm và 1.756 ca tử vong, tăng lần lượt 3.107 và 375 ca so với một ngày trước đó.

Tại Đức, đã có thêm 2.488 ca nhiễm và 10 ca tử vong trong ngày 22/3, nâng tổng số lên lần lượt 24.852 và 94 ca. Mặc dù số ca tử vong thấp nhưng số người mắc COVID-19 vẫn tăng cao tại Đức.

Bộ trưởng Y tế Mexico đã công bố 65 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số người mắc ở Mexico lên đến 316 ca.

Tại New Zealand, đã có 36 ca nhiễm mới trong ngày 22/3 và có 2 ca liên quan đến lây nhiễm cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 102.

Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết nước này sẽ nâng mức cảnh báo lên mức tối đa. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa tất cả các dịch vụ không thiết yếu (quán cà phê, nhà hàng…), trường học và công sở trong 48 giờ tới và kéo dài 4 tuần.

Thủ tướng Anh: Có thể cần áp dụng biện pháp giới nghiêm

Ngày 22/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nếu người dân vẫn không thực sự chú ý đến những khuyến cáo của ngành y tế về việc mỗi người phải cách xa nhau 2 mét, quốc gia này có thể cần áp dụng biện pháp giới nghiêm và hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của virus corona gây bệnh COVID-19. 

Mọi người đeo khẩu trang tại Quảng trường vắng vẻ Puerta del Sol trong bối cảnh nước Ý phong tỏa đất nước để chống COVID-19 tại Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 21/3/2020. Ảnh: REUTERS / Sergio Perez

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh nước Anh đã đóng cửa các quán rượu, câu lạc bộ và phòng gym nhưng người dân trong nước vẫn ra công viên, siêu thị và phớt lờ cảnh báo mỗi người phải cách xa nhau 2 mét.

Tính đến hết ngày 22/3, Anh xác nhận 281 ca tử vong vì COVID-19 và 655 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại Anh lên đến 5.683.

Đông Nam Á: Nhiều quốc gia ghi nhận ca nhiễm mới

Trong 24h qua, tại khu vực Đông Nam Á, dịch bệnh COVID-19 đã có diễn biến phức tạp và số ca nhiễm bệnh mới tiếp tục gia tăng tại các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tại Thái Lan, trong ngày 22/3 đã ghi nhận 188 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 599 người. Đây là ngày có số ca lây nhiễm được công bố cao nhất tại Thái Lan kể từ khi ca mắc đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1/2020. Một người đã tử vong và 7 bệnh nhân hiện trong tình trạng nghiêm trọng.

Cũng trong ngày 22/3, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này có thêm 123 ca nhiễm virus SARS-Cov-2, 2 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là 1.306 và 10 người.

Tại Indonesia, quốc gia thành viên ASEAN có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất, trong ngày 22/3 có thêm 10 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 48. Indonesia cũng đứng thứ 3 khu vực về số lượng ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với tổng số 514 ca, trong đó có 64 ca mới trong ngày 22/3.

Lào và Myanmar là hai quốc gia thành viên ASEAN chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào tính đến hết ngày 22/3.

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, tính đến 5h30 ngày 23/3/2020, Việt Nam xác nhận 113 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó: 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1); 1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Theo Tổng hợp từ Reuters, Tân Hoa Xã, CCN & Yonhap
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 23/3: Hơn 32.000 ca nhiễm ở Mỹ, Hàn Quốc gần 9.000 người mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO