Xã hội

Cao Phong – Hòa Bình: Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Bảo Hà 21/11/2023 - 16:30

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Ý, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

5dd07c65-509d-4c2f-8faa-f9833e091944.png
Ông Trần Văn Ý, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cao Phong trao đổi với Pv về công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Xin ông cho biết tình hình thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Cao Phong?

Ông Trần Văn Ý: Xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Cao Phong luôn quân tâm chỉ đạo sát sao, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa, đưa mục tiêu giảm nghèo vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn ở địa phương.

Đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện trú trọng bố trí nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn sự nghiệp, nguồn đối ứng của huyện với các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phấn đấu mức cao hơn, tạo nhiều việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, cải thiện đời sống nhân dân trong huyện. Bên cạnh đó là sự phối hợp tích cực của UBMTTQVN và các tổ chức đoàn thể cùng với sự nỗ lực đồng lòng phấn đấu vươn lên của các tầng lớp nhân dân địa phương đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác giảm nghèo bền vững? Qua đó, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện?

Ông Trần Văn Ý: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025: Năm 2022 là 6,69% (giảm 3,44% so với năm 2021), năm 2023 ước giảm xuống còn 4,99% (giảm 1,7% so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn năm 2022 giảm bình quân 9,06%, năm 2023 ước giảm bình quân 6%.

Đầu giai đoạn 2021 -2025 toàn huyện có 03 xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn: Thung Nai, Hợp Phong, Thạch Yên. Năm 2022 xã Hợp Phong đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; hiện nay xã Thung Nai đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; xã Thạch Yên phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2024. Mục tiêu của huyện phấn đấu về đích huyện nông thôn mới vào năm 2025.

cao.png
Năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 8,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm.

Cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống của người nghèo cũng như người dân trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện, nâng cao, tăng thu nhập bình quân đầu người. Theo số liệu thống kê đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 8,9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, để thực hiện công tác giảm nghèo, xin ông cho biết huyện đã gặp những khó khăn, vướng mắc, thách thức nào trong quá trình triển khai giảm nghèo bền vững trên địa bàn?

Ông Trần Văn Ý: Bên cạnh những thành quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể:

Điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã, xóm vùng 135, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Diện tích đất sử dụng để canh tác ít, chủ yếu là đất đồi núi, đất rừng. Bên cạnh đó điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt dẫn đến mất mùa, sản lượng nông nghiệp thấp cùng với tình hình dịch bệnh phức tạp, lạm phát tăng cao nên đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguồn kinh phí của nhà nước cấp để thực hiện hỗ trợ giảm các chiều thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo còn hạn chế (ví dụ như: nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh, bảo hiểm y tế, dinh dưỡng…) chủ yếu mới chỉ tập trung vào việc làm, thông tin và truyền thông. Bên cạnh đó việc huy động nguồn lực xã hội hóa là rất khó khăn, do trên địa bàn huyện có ít doanh nghiệp hoạt động, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản phẩm nông nghiệp nên thu nhập cũng không dư giả nhiều.

Trên thực tế vẫn còn một số ít người nghèo còn tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính hỗ trợ của nhà nước.Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện có đông người ăn theo, hết tuổi lao động, bệnh tật kéo dài, đối tượng bảo trợ (người khuyết tật, người cao tuổi, người bệnh hiểm nghèo...) dẫn đến việc không có lao động tham gia sản xuất tăng thu nhập cho hộ gia đình.

5c48854264f7b2a9ebe6.png
Huyện Cao Phong hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp

Về định hướng để nâng cao chất lượng đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo huyện đã đặt ra mục tiêu cũng như giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Ý: Trong thời gian tới, để giải quyết những khó khăn trong công tác giảm nghèo, phấn đấu giảm nghèo bền vững cả về chất và lượng, nâng cao chất lượng đời sống người dân, huyện Cao Phong cần phải có sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo; Xây dựng hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn kịp thời, hiệu quả; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; Biểu dương, động viên kịp thời các gương điển hình có hiệu quả về giảm nghèo, phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo; Rà soát, phân loại các nguyên nhân thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp hỗ trợ cụ thể cho từng hộ; Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ cho người nghèo, cận nghèo; Tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo; Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau” trong toàn huyện; Huy động nguồn xã hội hóa tạo thành phong trào sâu rộng thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, đồng thời thực hiện lồng ghép với các chương trình dự án khác để thực hiện hỗ trợ về y tế, giáo dục, ưu đãi tín dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, trợ giúp pháp lý, trợ giúp tiếp cận thông tin, hỗ trợ nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh và các chính sách an sinh xã hội khác.

Pv: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Phong – Hòa Bình: Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO