Canh tác lúa là nguồn phát thải khí mê tan lớn nhất

Khánh Ly| 25/03/2022 09:36

Nếu tính tỷ trọng tất cả các nguồn phát thải khí mê tan (CH4), hoạt động canh tác lúa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU) chiếm đến 40,44% tổng lượng phát thải năm 2020.

Thông tin được đưa ra tại Hội thảo Tham vấn kết quả kiểm kê khí mê tan cho năm 2020, do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) tổ chức chiều ngày 24/3. Đây cũng là cơ sở để Bộ TN&MT xây dựng “Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030” của Việt Nam, với mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2030 ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020.

anh-1(2).jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo tham vấn tại điểm cầu trụ sở Bộ TN&MT

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, khí mê tan (CH4) là một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhất. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,1 độ C, trong đó, khí CH4 đóng góp 0,3 độ C. Do vậy, tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), giảm phát thải khí CH4 là vấn đề được cả thế giới quan tâm.

Là một quốc gia tích cực hoạt động ứng phó BĐKH toàn cầu, Việt Nam cùng 150 quốc gia trên thế giới đã tham gia “Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”, theo đó mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2030 ít nhất 30% so với mức phát thải năm 2020. Đây là cam kết rất mạnh mẽ, nhưng cũng đồng thời đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam.

Nếu thực hiện giảm phát thải CH4 từ tất cả các nguồn CH4 trong Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC, lượng giảm CH4 đến năm 2030 mới đạt khoảng 20%. Điều này đồng nghĩa với việc các ngành, lĩnh vực sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, hằng năm, các quốc gia sẽ tham gia cuộc họp cấp Bộ trưởng để cùng đánh giá lại tiến độ thực hiện cam kết. Các quy định của cam kết giảm khí mê tan chặt chẽ hơn nhiều so với các cam kết giảm phát thải khí nhà kính nói chung đang được áp dụng với Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đang phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo “Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030” của Việt Nam. Để làm được điều này, cần đánh giá hiện trạng phát thải khí mê tan năm 2020 làm cơ sở đầu vào cho các hoạt động tiếp theo.

Thời gian qua, Cục Biến đổi khí hậu cùng với nhóm chuyên gia của các Bộ, ngành đã thực hiện kiểm kê phát thải khí mê tan cho 3 lĩnh vực phát thải chính là năng lượng; chất thải; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU) năm 2020. Kết quả cho thấy, tổng phát thải khí CH4 cho cả 3 lĩnh vực là 98,3 triệu tấn CO2 tương đương. Trong đó, AFOLU chiếm tỷ lệ 57,75% tổng lượng phát thải, tiếp đến là chất thải với 26,84%, năng lượng 15,41%.

anh-1.png

Nếu tính tỷ trọng tất cả các nguồn phát thải, hoạt động canh tác lúa trong lĩnh vực AFOLU chiếm đến 40,44% lượng phát thải năm 2020.

Giải thích về điều này, ông Lý Việt Hùng, Trung tâm Bảo vệ tầng ô-dôn và Phát triển kinh tế các-bon thấp (Cục BĐKH) cho biết: Khí mê tan sinh ra là kết quả của quá trình phân giải yếm khí các-bon trong đất trong điều kiện hệ sinh thái rễ lúa ngập nước yếm khí. Sau đó, phát tán vào môi trường qua ba con đường: Qua các mô khí bên trong thân cây lúa từ đó phát tán qua lóng và phiến lá lúa (chiếm 90% tổng lượng CH4 phát thải từ ruộng lúa); qua tầng nước mặt ruộng và bay vào không khí thông qua cơ chế khuếch tán gradient nồng độ (chiếm 9%); qua sủi bọt khí trong tầng nước mặt trên ruộng lúa (chiếm 1%).

Những năm qua, Bộ ngành và các địa phương đã nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp về kỹ thuật, chính sách nhằm mục tiêu giảm phát thải KNK trong cam kết thực hiện mục tiêu quốc gia về chống BĐKH. Đặc biệt, diện tích gieo trồng lúa tăng giai đoạn 2010-2015, sau đó giảm dần và còn 7,28 triệu ha vào năm 2020.

Tại hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Viện Năng lượng cùng các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận để làm rõ hơn về quá trình kiểm kê cụ thể từng tiểu ngành trong 3 lĩnh vực, phương pháp luận, cách thức áp dụng phương pháp của IPCC, quá trình thu thập số liệu, lựa chọn hệ số phát thải… để có thể cho ra kết quả kiểm kê.

Cục Biến đổi khí hậu sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch, trình lãnh đạo Bộ TN&MT để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Canh tác lúa là nguồn phát thải khí mê tan lớn nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO