Cảnh sắc Hồ Gươm

Hà Hồng| 01/02/2022 07:54

(TN&MT) - Dòng người đổ về làng hoa đào Nhật Tân, đan xen, chiều ngược lại, dòng người từ làng hoa chở từng bó hoa, cành đào mang hương thơm và hơi thở mùa xuân đến từng nhà. Thế là Tết đã về!

Đối với tôi, một điều đã trở thành mặc định, khi nào nhìn thấy người đầu tiên vác cành đào trên vai hay chở trên xe đạp, xe máy chạy trên phố, đấy là thời điểm Tết về, có khi cách Tết Nguyên đán cả tháng trời. Nhiều năm nay, t0ôi đã tự thưởng cho mình một “đặc ân” sau một năm làm việc vất vả đó là dành cả một buổi sáng, vác máy ảnh đi chụp ảnh vườn đào trong ngày hai chín hoặc Ba mươi Tết. Một mình lang thang trong “rừng” đào Nhật Tân, trong không gian tĩnh lặng, tôi cảm nhận được sự chuyển mình của đất trời từ mùa đông giá lạnh sang mùa xuân ấm áp, sinh sôi nảy nở, sự cựa mình của chồi non, nụ biếc. Đó là lúc cánh “phó nháy” chúng tôi thăng hoa sáng tạo khung hình cánh hoa đào “đính” giọt sương long lanh như viên kim cương do những tia nắng chiếu ngược tạo nên. Hay vô tình bấm được kiểu ảnh người con gái mặc áo dài với nụ cười xinh lướt qua ống kính.

img_4193.jpg
Hồ Gươm sáng Mùng Một Tết năm 2014

Năm nào cũng vậy, sau khi chụp hoa đào Nhật Tân là tôi lại quay về chụp cảnh Hồ Gươm. Những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trở lại đây, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, Hồ Gươm trở thành đại vườn hoa. 1,7km chung quanh hồ là một thảm hoa đủ sắc màu.

Trên thảm hoa là “rừng” hoa đào được trồng dọc theo phố Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng. Khi chưa có đồng hồ tròn ở ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay, nơi đây là một “mâm” hoa đào, quất. Khi hoa đào, thảm hoa chung quanh hồ kém sắc thì cả hồ tràn ngập màu hoa ban tím, hoa muồng hoàng yến vàng, hoa sưa trắng muốt, hoa gạo đỏ thắm. Cảnh sắc Hồ Gươm cứ thế mà biến đổi theo từng mùa trong năm...  

10960230_416192595206286_7968684610252714448_o(1).jpg
Hồ gươm vào Xuân. Ảnh: Tùng Quân

  Ngược dòng thời gian, từ hàng trăm năm trước, theo tác giả Bình Di - Quang Vũ trong cuốn sách “Họ Trịnh và Thăng Long”, Hồ Gươm vào những năm cuối thế kỷ XVII “Chung quanh hồ trồng hoa cỏ, cây lạ, nuôi chim, giữ gìn sạch sẽ, nghiêm cấm dân thường không được tới câu cá, hái hoa. Cuối hồ khơi một con ngòi dẫn ra sông Hồng để thuyền ra vào được gọi là bến Tây Long đối với bến Đồng Tân phường Hà Khẩu”.

Bất ngờ hơn, bởi vào những năm giữa thế kỷ XIX, quanh hồ là khu dân cư đông đúc, có gia đình còn đóng cọc làm nhà trên mặt hồ. André Masson - tác giả cuốn sách “Hà Nội giai đoạn 1873 - 1888” có tả lại cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm vào những năm 30 của thế kỷ XIX như sau: “Các túp lều của dân bản xứ trên bờ hồ san sát nhau đến nỗi người ta phải len lỏi qua những ngõ ngách chật hẹp men theo hàng ngàn khúc quẹo quanh những ngôi nhà lá. Nhiều khi sau một giờ lần mò trên những con đường lượn đi lượn lại như mê cung, nhà thám hiểm dũng cảm nhất lại về đúng chỗ xuất phát không sao tới được mép nước”.

Năm 1884, hình thành dự án đường chung quanh hồ. Tờ Tương lai Bắc kỳ số ra ngày 15/4/1885 thông báo bắt đầu san nền để thực hiện dự án. Việc thực hiện dự án diễn ra trong nhiều năm vì phải tiến hành nhiều vụ san lấp lớn và giải tỏa khu dân cư. Khi Hà Nội trở thành nhượng địa năm 1888, kế hoạch mở rộng và xây dựng thành phố theo kiểu châu Âu được triển khai nhanh hơn và họ chú ý đến cây xanh. Năm 1889, một số nhà thực vật người Pháp đã thành lập vườn thí nghiệm thực nghiệm thực vật (ở đầu làng Ngọc Hà và Hữu Tiệp) để ươm các giống cây và hoa nhập từ nước ngoài. Lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố này, Tổng trú sứ Brière đã thành lập đội nhân viên trồng cây xanh theo Nghị định ngày 1/1/1890.

Tiếp đó, ngày 21/4/1890, Brière ký tiếp quy chế lục lộ, trong đó quy định chỉ trồng cây tại các phố có vỉa hè từ 4m trở lên. Theo quy chế, hầu hết “36 phố phường” dù có nắng cũng không được trồng cây vì vỉa hè chỉ rộng có 3m. Tuy nhiên, sau 5 năm có quy chế, cây mới được trồng chung quanh Hồ Gươm và các phố phía Nam hồ vì lúc đó vườn thí nghiệm thực vật mới có cây giống.

img_4196.jpg
Một góc Hồ Gươm 

Cây được trồng gồm giống bản địa như sấu, sưa... Giống nhập có xà cừ, phượng (châu Phi) muồng (Nam Mỹ), bằng lăng (Úc), tếch (vùng thượng Lào), cây cọ dại (châu Phi), cây hoa phượng vĩ (Ghi nê). Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, năm 1902, Hà Nội trở thành Thủ đô Liên bang Đông Dương, do vậy bộ mặt đô thị ngày càng được quan tâm hơn. Ngày 22/8/1902, đốc lý Frédéric (nhiệm kỳ 1901 - 1903) quy định, cây xanh trồng ở Hà Nội phải tuân theo tiêu chí: Có bóng mát, bảo đảm mỹ quan, không có nhựa và khí độc hại, không đổ trước các trận bão vừa phải. Cây lá to phải trồng xa cống thoát nước để tránh lá rụng làm tắc cống. Ven hồ phải trồng cây lá nhỏ vì khi lá rụng không làm thối nước hồ. Ở các phố có vỉa hè hẹp phải chọn giống cây thân thẳng và cao cây sẽ không nghiêng ra đường và chung quanh. Đến nay, cây chung quanh hồ vẫn được trồng theo tiêu chí đó.

img_4197.jpg
Cảnh sắc Hồ Gươm 

Nhà văn Tô Hoài có một cảm nhận thật sâu sắc về cây ở Hồ Gươm: Cây Hồ Gươm của Hà Nội thoạt nhìn không ra thể thức nào, nhưng để ý kỹ sẽ thấy được một lề lối của mỗi bóng cây bóng nước. Phong tục nước ta tuổi già có thói quen quý hóa thường trồng cây cho đời sau. Mỗi cây từ Hồ Gươm đều đến từ cổng đồng, cổng làng bờ ao, mỗi cây đem về một hình ảnh mọi miền quê.

Tôi có nhiều dịp được đi theo cố nhà văn Băng Sơn, được nghe ông kể nhiều chuyện về ngày Tết ở Hồ Gươm thời bao cấp, về cây xanh Hồ Gươm. Ông tâm sự: Cây xanh Hồ Gươm là một đặc sản của Hà Nội, nó đi vào hồn người nhiều thế hệ, dù bạn là nhạc sĩ tài hoa, nhà nhiếp ảnh kỳ tài hay chỉ là người bình dị hàng ngày bươn chải... Phải khi đi xa mới thấy hết giá trị của một tán cây xanh như thế trong hồn mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh sắc Hồ Gươm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO