Cảnh báo tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử gia tăng

Bài và ảnh: Tống Minh| 26/12/2022 15:25

(TN&MT) - Tại Việt Nam, ở lứa tuổi 13 – 15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Tuy nhiên, vấn đề đáng lưu ý là tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đã gia tăng đáng kể, từ 2,6% năm 2019 lên 3,5% năm 2022.

Đây là kết quả được chia sẻ tại Hội thảo khoa học Chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 – 15 tuổi tại Việt Nam, do Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ngày 26/12, tại Hà Nội.

img-6351.jpg
GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc

GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội thảo. Tham dự có PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế); PGS.TS Kim Bảo Giang – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội; đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số CCHIP; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá giảm rõ rệt

Phát biểu khai mạc, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, việc thực hiện môi trường không khói thuốc, đặc biệt là tại trường học, cơ qua công sở và trên các phương tiện giao thông công công có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều sự kiện trong cộng đồng tại nhiều địa phương đã bỏ hoặc giảm hẳn việc mời hút thuốc lá, hành vi hút thuốc nơi công cộng ngày càng không được cộng đồng chấp nhận như trước đây. Thống kê cho thấy, hơn 90% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây những bệnh nghiêm trọng.

Đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc ở người trưởng thành giảm: tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống 42,3% năm 2020, trong đó sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15 – 24 giảm từ 26% xuống 13%. Trong đó, giảm một nửa tỷ lệ sử dụng thuốc trong lứa tuổi học sinh từ 13 đến 17 tuổi trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2019. Ở lứa tuổi 13 – 15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm rõ rệt từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.

Việc hút thuốc thụ động giảm: tại nơi làm việc giảm từ 42,6% xuống 30,9; tại nhà: giảm từ 59,9% xuống 56 %; tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại bar/cà phê/trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.

Tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng: Trong 5 năm (từ 2015 – 2020), tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020.

Với các kết quả này, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước tính chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 – 2020 là 1.277 tỷ đồng/năm.

“Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá. Những thành công bước đầu này đã góp phần thực hiện hiệu quả Luật PCTH thuốc lá và ý kiến chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 20/2017/MQ-TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định.

Lo ngại giới trẻ dùng thuốc lá điện tử gia tăng

Dù tỷ lệ hút thuốc lá giảm, song điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ.

Thực hiện nghiên cứu về vấn đề này, PGS.TS Kim Bảo Giang – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tại Việt Nam đang tăng nhanh từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó, nam giới tăng từ 0,4% lên 5,6%, nữ giới tăng từ 0,1% lên 1%, đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 – 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3% so với nhóm tuổi 25 – 44 tuổi(3,2%), 45 – 64 tuổi (1,4%).

img-6358.jpg

PGS.TS Kim Bảo Giang – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội trình bày nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá ở học sinh 13 – 15 tuổi tại Việt Nam.

Đặc biệt, điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên 13 – 15 tuổi năm 2022 cho thấy, tỷ lẹ sử dụng thuôc lá điện tử ở nhóm tuổi học sinh từ 13 – 15 tuổi là 3,5%. So với tỷ lệ năm 2019 là 2,6% theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới thì có thể thấy chỉ sau 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng đáng kể.

Đáng lưu ý, xét theo giới tính, tỷ lệ học sinh nam dùng thuốc lá điện từ năm 2019 là 2,6%, tăng lên 4,3% năm 2022. Tỷ lệ học sinh nữ dùng thuốc lá điện tử năm 2019 là 1,5%, tăng lên 2,8% năm 2022. Học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với thuốc lá điện tử, nhất là từ mạng internet.

“Kết quả này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ” – PGS.TS Kim Bảo Giang cảnh báo.

img-6363.jpg

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) quan ngại về tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam.

Trăn trở về vấn nạn này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Nếu không hành động hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ phải đối mặt với đại dịch của thuốc lá điện tử. Một số nhóm giải pháp đặt ra, đó là: Nghiên cứu bổ sung các quy định về phòng chống thuốc lá nung nóng/thuốc lá điện tử vào Luật phòng chống tác hại của thuốc lá và các văn bản dưới luật; đẩy mạnh truyền thông; Nghiên cứu đánh giá và đưa ra bằng chứng tích cực hơn nữa và cùng các cơ quan truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức Đoàn thanh niên để đưa các tài liệu truyền thông, đưa ra các chế tài quyết liệt hơn nữa để từng bước ngăn chặn, đẩy lùi trào lưu này./.

thuoc-la-dien-tu-de-doa-_871665070830.jpg
Học sinh hút thuốc lá điện tử: Hiểm họa khôn lường (Ảnh minh họa)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tình trạng học sinh hút thuốc lá điện tử gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO