Ngành y tế Lào Cai: Nỗ lực xây dựng môi trường “Công sở không khói thuốc”
Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại tỉnh Lào Cai đã được ngành y tế Lào Cai triển khai bằng các hoạt động cụ thể, tác động sâu rộng đến cộng đồng, từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Ánh, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai.
PV: Xin bà cho biết thời gian qua công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá được ngành y tế tỉnh Lào Cai triển khai như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh: Tại tỉnh Lào Cai, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai ngay sau khi Luật PCTHTH có hiệu lực. Ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và thực thi Luật PCTHTL.
Đến năm 2015, được sự hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế, hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại tỉnh Lào Cai đã được triển khai bằng các hoạt động cụ thể, tác động sâu rộng đến cộng đồng. Từ đó nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về công tác phòng chống tác hại thuốc lá, như tuyên truyền các gần 600 tin, bài, thông điệp nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên các phương tiện truyền thông báo đài.
Hàng năm tổ chức lễ mít tinh, diễu hành cấp tỉnh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5) tại các huyện, thị xã, thành phố.
Tổ chức 356 buổi truyền thông trực tiếp tại các trường học, nhà máy, xí nghiệp, thôn, tổ dân phố, phiên chợ về phòng chống tác hại của thuốc lá cho 45.417 người nghe.
Tổ chức 05 cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các trường THPT cho 1.108 em học sinh tham gia. Và 141 lớp tập huấn về công tác PCTHTL cho 4.744 người là cán bộ phụ trách công tác PCTHTL, giáo viên, công an, cán bộ y tế huyện, xã, y tế thôn bản, trưởng thôn, bí thư chi bộ…
Ngoài ra chúng tôi còn tuyên truyền ra cộng đồng bằng treo pa nô, băng rôn, áp phích, tờ gấp, video clip…
PV: Xin bà cho biết về những kết quả cũng như những khó khăn trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Lào Cai?
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh: Tại Lào Cai triển khai công tác PCTHTL chúng tôi đã đạt được kết quả khá khả quan như: tỉ lệ hiểu biết về Luật PCTHTL chiếm 77,3% người được hỏi. Trong đó, tỉ lệ nam giới nhận biết về Luật PCTHTL là 79,2% cao hơn nữ giới (75,4%).
Tỉ lệ những người đang hút thuốc lá nhận thức về tác hại của thuốc lá: Khoảng hơn 97% số họ cho rằng tác hại thuốc lá mang đến các bệnh nguy hiểm; 83% cho rằng mang đến bệnh đột quỵ; hơn 70% cho rằng hút thuốc lá là nguyên nhân đau tim; gần 98% cho rằng hút thuốc dẫn đến ung thư phổi và hơn 66% cho rằng hút thuốc sẽ mang đến cả đột quỵ, đau tim và ung thư phổi.
Kết quả khảo sát trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy, những người hút thuốc chưa thực sự quan tâm đến việc cai nghiện thuốc lá. Có khoảng 6,2% số người đang hút thuốc trả lời có quan tâm đến việc cai nghiện thuốc lá sau một tháng; 11,3% sẽ xem xét việc bỏ thuốc lá trong 12 tháng tới. Những người quan tâm đến việc cai nghiện thuốc lá nhưng không phải trong 12 tháng tới chiếm 23,4%; số người không quan tâm đến việc bỏ thuốc lên đến 43,9%.
Tuy nhiên khi triển khai công tác PCTHTL chúng tôi cũng gặp phải nhiều khó khăn như, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự sâu sát, thực thi nghiêm các quy định của Luật PCTHTL, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công nhân, viên chức hút thuốc lá tại cơ quan, công sở khiến hiệu quả công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Lào Cai vẫn còn hạn chế.
Cán bộ, viên chức, người dân đã nhận thức được những tổn thất to lớn về sức khoẻ, kinh tế và môi trường do thuốc lá gây nên, hiểu được tác hại của thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh gây chết người. Tuy nhiên do thói quen, cộng với việc xử lý những trường hợp hút thuốc tại địa điểm cấm còn chưa quyết liệt, nên vẫn tái diễn việc hút thuốc tại nơi làm việc dù đã bị nhắc nhở.
Thuốc lá được bày bán tràn lan, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và mua thuốc lá ở nơi công cộng đang gây ra những khó khăn, cản trở những nỗ lực trong việc cai nghiện thuốc lá, giảm tỷ lệ hút thuốc lá.
Việc triển khai kiểm tra, xử phạt vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cũng khiến việc thực thi Luật chưa hiệu quả, chưa tạo được tính răn đe lớn trong cộng đồng.
Pv: Trước những khó khăn về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá mà Lào Cai đã gặp phải, vậy Lào Cai có giải pháp gì để giải quyết vấn đề đó?
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh: để triển khai hiệu quả và giải quyết các khó khăn đang gặp phải, Ngành Y tế Lào Cai sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp như, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định xử phạt… cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị, học sinh, sinh viên tại các trường học, người dân tại cộng đồng.
Thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà tại nơi làm việc (cơ quan, công sở…)
Thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục (từ mầm non đến trung học phổ thông), …
Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, trường học;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt; nghiêm cấm việc mua, bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, hình ảnh liên quan đến thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở y tế. Phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh thuốc lá.
PV: Để tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng công sở xanh - sạch – không khói thuốc, thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ triển khai các kế hoạch trọng tâm nào để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tác hại của thuốc lá?
Bà Nguyễn Thị Kim Ánh: chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về các quy định của Luật PCTHCTL cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tại cộng đồng. Kết hợp nhiều hình thức, kênh truyền thông để tăng hiệu quả tuyên truyền.
Quán triệt các cơ quan, đơn vị đưa nội dung không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào Nội quy đơn vị, tiêu chí bình xét thi đua, treo biển Cấm hút thuốc tại các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của Luật.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá: Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về PCTHTL…
Tăng cường công tác kiểm tra việc thực thi Luật PCTHTL tại các cơ quan, công sở trên địa bàn tỉnh, xử phạt nghiêm các trường hợp vị phạm quy định.
Trân trọng cảm ơn bà!