Cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá

10/11/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 27/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định về việc phê duyệt Đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các...

(TN&MT) - Ngày 27/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, giao cho Bộ TN&MT thực hiện, trong đó Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản là cơ quan chủ trì.
 
Mục tiêu tổng thể của Đề án nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá (TLĐĐ) tại các vùng miền núi, trung du làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư đảm bảo ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ, phục vụ chỉ đạo sơ tán dân cư kịp thời, phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
Lần đầu tiên, toàn bộ 14 tỉnh miền núi phía Bắc đã có thể biết trước nguy cơ trượt lở đất đá tại địa phương mình nhờ bộ bản đồ do Bộ TN&MT xây dựng. Đây là một phần kết quả của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” vừa được chuyển giao tới các tỉnh. Báo Tài ngyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Quốc Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Chủ nhiệm Đề án. 
 
PV: Trượt lở đất đá là một dạng thiên tai có tính cục bộ nhưng hậu quả rất nặng nề. Đặc biệt, thời gian gần đây, trượt lở đất đá diễn ra ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng. Ông có thể cho biết đôi nét về loại thiên tai này? 
 
TS. Lê Quốc Hùng: Trượt lở đất đá là các hiện tượng tai biến địa chất liên quan đến sự dịch chuyển của vật liệu đất, đá, mảnh vụn từ trên sườn dốc xuống phía dưới và ra phía ngoài dưới tác động của trọng lực. Các hiện tượng này có thể xảy ra trên bất kỳ địa hình nào khi mà các điều kiện về vật chất, độ ẩm và độ dốc của sườn cho phép. Trượt lở đất đá có thể được kích hoạt do nhiều yếu tố ngoại sinh (như mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá...) và nội sinh (như động đất), hay do con người làm mất độ ổn định sườn dốc, tăng chấn rung do mìn hoặc máy móc, tăng trọng tải lên mặt sườn dốc, tăng khả năng xói mòn, làm yếu độ liên kết của đất đá, làm yếu đi khả năng giữ đất của rễ cây (do các hoạt động phá rừng, nổ mìn, khai thác khoáng sản, san lấp, cắt, xẻ sườn đồi, núi để xây dựng đường sá, nhà cửa và công trình khác). 
 
Ở các vùng đồi, núi TLĐĐ thường xảy ra bất ngờ trong mùa mưa bão, không những gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội và tính mạng người dân, mà còn gây nên sự bất ổn về tinh thần. Các vùng miền núi có đặc điểm địa hình phân cắt, độ dốc lớn, dân cư sống tập trung ở chân đồi - núi, dưới tác động của nhiều hoạt động nhân sinh của con người như xây dựng giao thông, các công trình thủy điện, thủy lợi, các hoạt động chặt phá rừng,... hiện tượng trượt lở đất đá luôn rình rập, đe dọa cuộc sống và tính mạng của người dân, khiến những tổn thất về người và của ngày càng tăng.
 
Chính vì vậy, công tác điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá một cách hệ thống trong khuôn khổ Đề án sẽ tiến tới xây dựng được một bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về trượt lở đất đá, làm số liệu đầu vào để xây dựng các mô hình dự báo và cảnh báo các mức độ nguy cơ trượt lở đất đá có thể xảy ra trong các khu vực đã điều tra và những khu vực có các điều kiện tự nhiên và môi trường tương đồng.
 
PV: Hiện nay, 14 tỉnh miền núi phía Bắc đã có Bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 và 4 tỉnh trong số đó đã có Bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50:000. Hai bộ bản đồ này có ý nghĩa như thế nào đối với các địa phương, thưa ông? 
 
TS. Lê Quốc Hùng: Các bộ bản đồ nói trên là 2 trong số 4 bộ bản đồ sản phẩm chính của Đề án sẽ được chuyển giao về các địa phương miền núi và các cơ quan có liên quan, làm cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư và phục vụ công tác phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trượt lở đất đá. Các sản phẩm này là kết quả của công tác điều tra, đánh giá và phân vùng trượt lở đất đá theo mức độ chi tiết của mỗi bước triển khai Đề án, trong đó bước triển khai sau sẽ sử dụng kết quả của bước triển khai trước, và cho ra kết quả với mức độ phân vùng cảnh báo chi tiết hơn bước trước.
 
Bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá là sản phẩm của Bước 1, là kết quả thực hiện các nhiệm vụ thu thập, tổng hợp tài liệu, số liệu từ các nguồn thông tin khác nhau, trọng tâm là công tác khảo sát thực địa để điều tra hiện trạng trượt lở đất đá và các yếu tố thành phần - nguyên nhân gây nên hiện tượng trượt lở đất đá. Đây là hạng mục công tác điều tra cơ bản nhất, chiếm nhiều thời gian triển khai nhất nhưng lại có tầm quan trọng cao nhất trong toàn bộ quy trình triển khai của toàn Đề án. 
 
Bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá là sản phẩm của Bước 2, là kết quả thực hiện các nhiệm vụ đánh giá hiện trạng trượt lở đất đá trong các khu vực đã điều tra, phân tích mối liên quan với các yếu tố thành phần nhằm xác định các nguy nhân chính gây nên hiện tượng trượt lở đất đá trong khu vực. Trên cơ sở đó, Đề án xây dựng các mô hình phù hợp để đánh giá, dự báo và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá cho các khu vực đã được điều tra và cho các khu vực có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng. Bộ bản đồ này được xây dựng ở tỷ lê 1:50.000, với mức độ chi tiết tới cấp xã. 
 
Tôi xin bổ sung thêm là 2 bộ bản đồ sản phẩm đầu tiên của Đề án thể hiện sự cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trên toàn bộ diện tích các khu vực đã điều tra, bao gồm cả các khu vực không có dân cư. Bộ sản phẩm của Bước 3 sẽ cung cấp các thông tin chi tiết hơn về tần suất, quy mô xảy ra trượt lở đất đá, và có bao gồm yếu tố kích hoạt chính là các ngưỡng mưa gây trượt. Bộ sản phẩm của Bước 4 sẽ cung cấp thông tin về các mức độ chịu tổn thương và rủi ro đối với con người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các khu vực tập trung dân cư, kể cả các khu vực sẽ quy hoạch phát triển và bố trí dân cư trong tương lai.
 
PV: Trong số 14 tỉnh này, những địa phương nào có nguy cơ cao nhất, thưa ông? 
 
TS. Lê Quốc Hùng: Nhìn chung, hiện tượng trượt lở đất đá xảy ra ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc do đặc điểm địa hình sườn dốc, núi cao, cùng hoạt động khai thác lãnh thổ không hợp lý. Theo các điều kiện địa chất - địa hình, hiện tượng này xảy ra mạnh mẽ hơn ở các tỉnh miền núi Tây Bắc. Tuy vậy, với kết quả điều tra hiện trạng của 14 tỉnh và kết quả phân vùng cảnh báo nguy cơ của 4 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa (12 huyện) và Nghệ An (11 huyện). Kết quả cho thấy, cả 4 tỉnh này đều được đánh giá có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá cao và cho tới hiện nay thì chưa thể xác định được chính xác tỉnh nào có nguy cơ trượt lở đất đá cao nhất.
 
Nếu xét trong phạm vi từng địa phương, các tỉnh có các mức độ nguy cơ khác nhau chiếm tỷ lệ diện tích rất khác nhau. Các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao chiếm tỷ lệ diện tích lớn nhất ơ tỉnh Yên Bái (chiếm khoảng 18% diện tích tỉnh), sau đó là các tỉnh Nghệ An (chiếm khoảng 13% diện tích khu vực miền núi của tỉnh), Lào Cai (chiếm khoảng 12% diện tích tỉnh) và Thanh Hóa (chiếm khoảng 5% diện tích khu vực miền núi của tỉnh). Các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao chiếm tỷ lệ diện tích lớn nhất ở cũng ở tỉnh Yên Bái (chiếm 32% diện tích tỉnh), sau đó là các tỉnh Lào Cai (chiếm 29% diện tích tỉnh), Nghệ An (chiếm 26% diện tích khu vực miền núi của tỉnh) và Thanh Hóa (chiếm 20% diện tích khu vực miền núi của tỉnh). Nếu xét tổng thể cả 4 tỉnh này, 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá là cao tương đương nhau, thấp hơn là tỉnh Nghệ An và cuối cùng là tỉnh Thanh Hóa.
 
Trong số 14 tỉnh, tỉnh Sơn La có tổng số điểm trượt cao nhất (1694 điểm trượt khảo sát và 1.791 điểm trượt giải đoán) nhưng mật độ điểm chỉ xấp xỉ 0,12 điểm/km2; trong khi đó, tỉnh Yên Bái có mật độ điểm trượt khảo sát cao nhất (0,17 điểm/km2) mặc dù chỉ xác định được 1.165 điểm trượt khảo sát và 708 điểm trượt giải đoán; tỉnh Thanh Hóa (12 huyện miền núi) có mật độ điểm trượt giải đoán cao nhất (0,15 điểm/km2) nhưng chỉ xác định được 938 điểm trượt khảo sát và 1.194 điểm trượt giải đoán.
 
Trượt lở đất đá thường xảy ra ở miền núi Việt Nam. Ảnh: MH
Trượt lở đất đá thường xảy ra ở miền núi Việt Nam. Ảnh: MH
 
PV: Hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá có sự thay đổi theo thời gian do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, sự phát triển KTXH. Vậy các bản đồ này có được cập nhật thường xuyên không? Và bằng cách nào, thưa ông?
 
TS. Lê Quốc Hùng: Bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá được thành lập trên cơ sở thực trạng các điều kiện tự nhiên - môi trường còn quan sát được tại năm điều tra, khảo sát và thời điểm bay chụp ảnh viễn thám. Chưa kể đến nhiều sự cố trượt trong quá khứ khó tìm lại được dấu vết, hoặc chưa khôi phục được các thông tin lịch sử. Sau thời gian điều tra, trượt lở đất đá vẫn tiếp tục xảy ra. Việc cập nhật thông tin cho các bản đồ này vẫn được Đề án thực hiện thông qua các hoạt động kiểm tra phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống thiên tai tại các tỉnh địa phương vào các mùa mưa báo, nhưng rất hạn chế. Do vậy, Đề án rất cần sự phối hợp của các Sở, Ban, Ngành địa phương các cấp và cộng đồng dân cư địa phương tcập nhật thông tin thiên tai. Hiện nay, Đề án đã và đang đề nghị các địa phương sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu không gian trực tuyến - WebGIS hoặc thư điện tử để cập nhật thông tin thiên tai cho Đề án và cho các địa phương.
 
Hệ thống các bản đồ phân vùng cảnh báo là kết quả các mô hình dự báo và cảnh báo theo phương pháp SMCE và các mô hình mã nguồn mở khác. Dữ liệu đầu vào là các bản đồ các yếu tố thành phần - nguyên nhân gây trượt tại từng khu vực. Các bản đồ thành phần này thể hiện thực trạng các điều kiện tự nhiên - môi trường tại các năm xây dựng chúng. Do vậy, các mức độ nguy cơ trượt lở đất đá vẫn có thể thay đổi do sự thay đổi của các yếu tố thành phần. Hiện nay, Đề án chỉ cập nhật thông tin cho các bản đồ phân vùng đối với các khu vực có bổ sung dữ liệu mới cập nhật hơn như hơn như địa mạo, thảm phủ, hiện trạng sử dụng đất, khu vực địa hình bị thay đổi bởi hệ thống đường giao thông mới xây dựng... Việc cập nhật thông tin các bản đồ phân vùng được thực hiện bởi các cán bộ kỹ thuật của Đề án bằng cách chạy lại các mô hình dự báo.
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
 
Nhị Giang (thực hiện)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO