Hệ thống thoát nước thiếu đồng bộ
Tại TP.HCM hiện chỉ mới đầu tư xây dựng cải tạo khoảng 4.176km/6.000km kênh, rạch, cống thoát nước theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP. HCM đến 2020 (đạt 69%). Còn tại TP. Hà Nội, hệ thống mạng lưới mới chỉ có 2.283km/3.800km cống thoát nước theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đạt 60%).
Bộ Xây dựng nhìn nhận, hệ thống thoát nước đô thị nói chung hiện còn thiếu, nhiều tuyến đường giao thông chưa có cống thoát nước. Mạng lưới cống đã được xây dựng từ rất lâu cùng với sự hình thành và phát triển của các đô thị, những việc quản lý duy tu bảo dưỡng hạn chế. Nhiều đoạn cống hiện đã xuống cấp, vỡ, bị bồi lấp hoàn toàn, không đủ năng lực thoát nước, ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới cống trong khu vực. Cửa thu nước tại một số khu vực không phát huy tối đa năng lực thoát nước do bị người dân đậy lại. Đây có thể xem là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng đọng nước cục bộ trên mặt đường.
Bên cạnh đó, tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước còn phổ biến gây cản trở dòng chảy, giảm tiết diện thoát nước trong cống. Các khu đô thị được quy hoạch lấn sát ra bờ sông, bờ biển cũng làm biến đổi dòng chảy và ảnh hưởng đến sự lưu thoát của dòng chảy.
Đúng quy hoạch vẫn ngập
Theo Ban chỉ Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng, dù năng lực chuyển tải nước mưa được đánh giá là cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng thực tế đợt mưa lớn cực đoan trong tháng 12/2018 cho thấy, nhiều trạm đo mưa ở TP. Đà Nẵng đo được lượng mưa ngày đạt mốc lịch sử hơn 700mm, vượt xa tần suất thiết kế đối với hệ thống thoát nước đô thị. Nhiều tuyến đường bị ngập sau từ 0,3 - 1m, nhiều ngõ hẻm ngập sâu hơn 1m. Trận ngập úng lịch sử này đã ảnh hưởng đến hơn 3.600 hộ dân, chủ yếu là ngập úng cục bộ.
Tình trạng mưa cực đoan, cả về lượng mưa ngày và thời gian mưa kéo dài thực sự đã trở thành áp lực lớn cho hệ thống thoát nước của TP. Đà Nẵng. Theo tiêu chí trong quy hoạch thoát nước đã được UBND thành phốTP. Đà Nẵng phê duyệt, trạm bơm, kênh dẫn nước chính và hồ điều hòa đảm bảo trận mưa có chu kỳ lặp lại 10 năm; cống thoát nước chính đảm bảo chu kỳ 5 năm, cống nhánh đảm bảo chu kỳ 2 năm. Với trận mưa lịch sử trên, chu kỳ lên tới 20 năm, việc xây dựng hệ thống thoát nước đáp ứng được tất cả các trận mưa như trên là không khả thi về bài toán kinh tế - kỹ thuật.
Nhằm hạn chế ngập úng đô thị, kinh nghiệm của TP. Đà Nẵng là nhanh chóng lập và phê duyệt quy hoạch thoát nước làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án đầu tư hệ thống thoát nước đô thị, đảm bảo khớp nối tổng thể, đồng bộ từ thượng lưu đến hạ lưu.
Hằng năm, thành phố đều rà soát, cập nhật và hoàn thiện phương án ứng phó tiêu thoát khu vực đô, trong đó, chỉ rõ các điểm, khu dân cư có nguy cơ ngập mới, giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ngành, đơn vị triển khai đồng bộ giải pháp ứng phó. Kinh phí duy trì hệ thống thoát nước cần được đảm bảo theo sự phát triển của đô thị…
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại Thủ đô Hà Nội, với những trận mưa có lưu lượng khoảng trên 50mm sẽ xảy ra ngập úng tại 18 điểm trên các trục đường giao thông quan trọng và 170 điểm nhỏ ở các ngõ xóm. TP.HCM Hồ Chí Minh còn 40 điểm ngập lớn do mưa và 9 điểm ngập do triều cường ở những tuyến đường lớn, cùng với khoảng 170 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm. Trong khi đó, TP. Cần Thơ có 107 điểm ngập độ sâu đến 0,65m; TP. Đà Nẵng còn khoảng 50 điểm ngập. |