Có khi nào chúng ta tự hỏi, một ngày trải qua bao nhiều thời gian ở trong phòng? Khoảng một nửa ngày hoặc ít hơn một chút? Hãy suy nghĩ về nó cẩn thận hơn. Hãy tính hết tất cả các thời gian chúng ta ở trong nhà, trong văn phòng, trong trường và ở các cửa hàng, quán ăn... Chúng ta thực sự tiêu tốn khoảng 90% thời gian của mình ở bên trong, do đó, không khí trong nhà rất quan trọng đối với sức khỏe chúng ta.
Thế nhưng trong nhà tưởng kín an toàn lại hóa lo, bởi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà là nguyên nhân của 50% số bệnh lý của con người; ảnh hưởng của nó cao từ 2 - 8 lần so với các bệnh có nguyên nhân là ô nhiễm bên ngoài. WHO thống kê có khoảng 900.000 trẻ nhỏ bị tử vong do viêm phổi vì ô nhiễm không khí trong nhà. Đặc biệt, ở các nước có thu nhập thấp, có khoảng 4% người già bị các bệnh về hô hấp, có nguy cơ bị mất trí nhớ cũng do tình trạng ô nhiễm không khí ở trong nhà.
Ở những thành phố lớn, dân cư đông đúc, những người thu nhập thấp không có điều kiện thuê nhà rộng hoặc có phòng ngủ riêng nên càng dễ bị mắc các bệnh về hô hấp. Với những căn phòng trọ hai ba chục mét vuông, tất cả sinh hoạt hàng ngày gói gọn trong bốn bức tường đó. Hơi xăng dầu bốc ra từ xe máy cùng với các chất tẩy rửa trong nhà vệ sinh, bụi bẩn, ẩm mốc từ giường, đệm và các thiết bị khác thì nguy cơ về sức khỏe lại càng đáng lo ngại.
Chất lượng không khí trong nhà kín và cao ốc văn phòng trên toàn thế giới đang giảm sút nghiêm trọng, ước tính, có khoảng 1 tỷ người đang phải hít thở không khí trong nhà với mức ô nhiễm gấp 100 lần cho phép của tổ chức này. “Hội chứng nhà kín” thường xảy ra ở các ngành như: Ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, lắp ráp điện tử… Hội chứng này được thể hiện các triệu chứng như: mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, buồn ngủ, khô da, cảm giác căng da, đỏ da, phát ban, mắt bị kích thích, tắc mũi, chảy nước mũi, ho, ngứa…
Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hóa và hiện đại hóa, nhu cầu về các tòa nhà cao ốc, khu văn phòng cho thuê đang tăng lên, tại đây tập trung rất nhiều người lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những yếu tố ô nhiễm không khí tồn tại trong nhà.
Gần đây, một số tỉnh, thành của nước ta có chỉ số ô nhiễm môi trường cảnh báo ở mức xấu và bụi mịn, khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, lo lắng. Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ người bị dị ứng, hen, viêm đường hô hấp gia tăng đáng kể. Thay đổi thời tiết có thể làm biến đổi thành phần bụi, từ đó, các vật dụng như thảm trải nhà, lông động vật, hóa chất… là nguy cơ gây ra các bệnh dị ứng, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay các đợt nhiễm trùng hô hấp. Hiện, chúng ta chưa có biện pháp hoặc hóa chất nào có thể loại trừ hoàn toàn các “kẻ thù” nói trên.
Không khí trong nhà ô nhiễm chứa nhiều chất độc, như: CO, Bezene, Formaldehyde; Ozone - gây ra nhiều loại bệnh về hô hấp, ung thư. Trong trường hợp gia tăng đột biến một trong những chất độc trên sẽ gây ngộ độc cấp tính.
WHO khuyến cáo, cần lau rửa trần và tường nhà ít nhất mỗi năm một lần, thường xuyên vệ sinh phòng, làm sạch bụi hệ thống điều hòa nhiệt độ; thiết kế hệ thống thông khí nội thất sao cho có sự trao đổi tối đa với khí trời; giữ cho các bộ lọc không khí thật khô sạch; không nên đóng kín cửa hoàn toàn 8 giờ làm việc, định kỳ mở thông thoáng tự nhiên, bố trí các máy photocopy, fax, in laser… ở nơi thoáng khí; tránh tiếp xúc với tường mới quét sơn vì một số loại sơn có chứa chì độc.