Cần ưu tiên đầu tư công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi

05/08/2014 00:00

(TN&MT) - Ngành chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức đó là điều đáng lo ngại.

(TN&MT) - Ngành chăn nuôi phát triển. Nhưng điều này cũng đang khiến Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn khi công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức.
   
Thải nhiều, xử lý kém
   
  Theo ước tính hiện cả nước có 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình, 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung, nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10% và chỉ có 0,6% số hộ có cam kết bảo vệ môi trường. Vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài gây sức ép đến môi trường. Các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long là những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển chiếm tới 55% trang trại nuôi lợn tập trung ở những đồng bằng  này. Theo dự tính với tốc độ phát triển mạnh của ngành chăn nuôi như hiện nay dự tính đến năm 2020, lượng chất thải rắn trong chăn nuôi phát sinh khoảng gần 1.212.000 tấn/năm, tăng 14,05% so với năm 2010. Lượng chất thải phát sinh là rất lớn nhưng việc xử lý thì mới chỉ chú trọng ở các doanh nghiệp chăn nuôi, còn các hộ chăn nuôi nhỏ chưa được quan tâm. Trong khi, các hộ chăn nuôi nhỏ chiếm tỷ lệ khá lớn, nhưng việc chăn nuôi của các hộ dân phần lớn theo tập quán, thói quen xả chất thải xuống kênh, rạch dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.
   
Biến chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ thành phẩm tại một trang trại chăn nuôi ở xã Hồ Sơn, Tam Đảo
    
   
  Thách thức với môi trường là đã hiện hữu nhưng việc xử lý tái chế đem lại nguồn lợi từ chính loại hình chất thải này cũng không hề nhỏ. Bởi có thể sử dụng chất thải của lợn để sản xuất năng lượng hoặc phân hữu cơ. Nhận thức được điều này nhưng hiện nay với mô hình chăn nuôi theo trang trại ở Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng gas sinh học (biogas) ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam còn hết sức hạn chế (khu vực miền Bắc ở mức 58,5%, miền Trung 41,9% và miền Nam là 53,5%).
   
Thiếu đầu tư, công nghệ xử lý còn lạc hậu
   
  Nhận xét về sự hạn chế trong những phương thức xử lý chất thải chăn nuôi ở nước ta hiện nay, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN & PTNT Hoàng Thanh Vân cho rằng: “Ở Việt Nam, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, dẫn tới việc xử lý và quản lý chất thải vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương do còn thiếu quy hoạch chăn nuôi đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc nghiên cứu, sản xuất những chế phẩm sinh học phù hợp với thị trường Việt Nam và ứng dụng rộng rãi tại các hộ chăn nuôi được coi là một phần quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững”. Trong khi đó hiện những mô hình xử lý chất thải vật nuôi trong nông hộ vẫn được chủ yếu thông qua các biện pháp như: Ủ làm phân chuồng theo phương pháp truyền thống; xứ lý bằng công nghệ khí sinh học Biogas, các chế phẩm sinh học, ao sinh học… Các phương pháp này chưa thể giải quyết được vấn đề về môi trường, bởi theo tính toán của các chuyên gia, hằng năm, tổng đàn gia súc, gia cầm ở Việt Nam thải vào môi trường khoảng 80 - 85 triệu tấn chất thải rắn. Đây là một trong những nguồn chất thải lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vùng nông thôn và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.
   
  Tiến sĩ Phạm Đức Phúc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y tế công cộng và hệ sinh thái (CENPHER) - Đại học Y tế Công cộng (HSPH) cũng chia sẻ về điều này khi cho rằng kinh phí đầu tư cho xử lý chất thải và công nghệ xử lý hiện còn thiếu nên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn trong xử lý dẫn tới tâm lý người dân còn thiếu hào hứng với những mô hình đang được áp dụng. Điều này cũng là một trong những trở ngại lớn cho việc nhân rộng hơn cách thức xử lý tới bà con nông dân. Mô hình được xem là “kiểu mẫu” trong xử lý chất thải chăn nuôi là xây dựng bể xử lý sinh học (biogas) cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Trên thực tế, nếu ở một xã, số hộ chăn nuôi lợn chỉ chiếm 20 - 30% tổng số hộ thì hầm biogas là giải pháp hiệu quả cho việc xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng nếu số hộ chăn nuôi lợn chiếm tới 50 - 60% thì hầm biogas có những hạn chế. Lượng nước thải từ hầm biogas của từng hộ dồn chung vào nguồn nước thải của xã, nguồn nước thải này thường không được xử lý, vẫn nhiễm khuẩn và lại là nguồn gây bệnh cho gia súc, gia cầm trong toàn xã và các vùng xung quanh.
   
  Một phương pháp cũng được nhiều hộ nông dân sử dụng đó là dùng chất thải làm ủ phân hữu cơ nhưng phương pháp này hiện cũng đang gây nên những mối hiểm họa cho môi trường nông thôn. Trong thời gian qua, mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học đang được thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương và được cho là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi. Hiện mô hình này cũng đang được bà con nông dân đón nhận và bước đầu đã mang lại hiệu quả.
   
  Theo các chuyên gia, hiện một số loại hình xử lý chất thải chăn nuôi chưa thực sự mang lại hiệu quả nhất định mà ngược lại còn gây hủy hoại môi trường. Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải triển khai ứng dụng đa dạng hóa các mô hình xử lý. Đồng thời phải đầu tư kinh phí, công nghệ, hướng dẫn và tuân thủ kỹ thuật một cách nghiêm túc trong các khâu xử lý. Từ đó mới tạo được niềm tin đối với người dân trong việc ứng dụng tái chế chất thải chăn nuôi.
   
Nguyễn Cường
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần ưu tiên đầu tư công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO