Cần tuyên truyền các mẫu địa chất trên nền tảng số

Mai Đan (thực hiện)| 15/07/2021 14:41

(TN&MT) - Là bảo tàng được xây dựng sớm nhất trong số các bảo tàng ở Việt Nam, Bảo tàng Địa chất (BTĐC) thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang trưng bày hàng nghìn mẫu vật. Để có được một số lượng lớn mẫu vật trưng bày ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM là cả một quá trình đam mê, tìm tòi, nỗ lực vượt qua khó khăn của những người làm địa chất.

Để hiểu rõ hơn về Bảo tàng địa chất, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Quang Quý - Giám đốc Bảo tàng Địa chất.

Ông Trương Quang Quý - Giám đốc Bảo tàng Địa chất

PV: Ông có thể cho biết đôi nét về quá trình xây dựng và phát triển Bảo tàng Địa chất?

Ông Trương Quang Quý:

Trước năm 1954, cả nước chỉ có một cơ sở lưu giữ, trưng bày mẫu địa chất ở số 6, Phạm Ngũ Lão, Hà Nội - tiền thân của BTĐC ngày nay. Từ năm 1954 đến năm 1986, ngành Địa chất có hai cơ sở lưu giữ, trưng bày mẫu địa chất gồm Bảo tàng Địa chất ở Hà Nội và Chi nhánh Bảo tàng Địa chất ở thành phố Hồ Chí Minh. Từ những năm 1990 trở lại đây, nhiều cơ sở lưu giữ trưng bày mẫu địa chất được hình thành ở các đơn vị địa chất khu vực.

Hiện nay, một số các tỉnh thành trong cả nước cũng có các cơ sở lưu giữ, trưng bày giới thiệu mẫu địa chất - một dạng công tác BTĐC. Những cơ sở này nằm rải rác ở các cơ quan địa chất (các Viện nghiên cứu, các Liên đoàn Địa chất), các trường đại học (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trường Đại học Mỏ - Địa chất...), một số Bảo tàng địa phương... với các cấp độ và quy mô khác nhau; và đặc biệt có cả các nhà sưu tập tư nhân.

Hiện nay, BTĐC đã có trụ sở tại Hà Nội và Chi nhánh tại TP.HCM, sắp tới BTĐC đang có kế hoạch thành lập chi nhánh BTĐC miền Trung đặt tại thành phố Hội An. Khu vực miền Trung có rất nhiều trường đại học, việc xây dựng bảo tàng địa chất tại Hội An sẽ phục vụ được một lượng lớn học sinh các trường phổ thông và đại học ở khu vực miền Trung.

PV: Hiện BTĐC đang lưu giữ những mẫu vật đặc trưng nào? Để có thể sưu tầm được những mẫu vật này, BTĐC đã gặp những khó khăn nào, thưa ông?

Ông Trương Quang Quý:

Đến nay, BTĐC đã thu thập, lưu giữ và trưng bày một khối lượng mẫu khá lớn. Lượng mẫu vật đang được lưu trữ, trưng bày tại BTĐC ở Hà Nội là 24.263 mẫu các loại, tại chi nhánh BTĐC ở TP.HCM là 13.824 mẫu các loại; bao gồm các mẫu đá, khoáng vật; khoáng sản kim loại, phi kim loại, quý hiếm (vàng, đá quý); dầu khí và cổ sinh vật. Trong đó có trên 30 sưu tập hiện vật quý hiếm, đặc biệt một số sưu tập được các nhà địa chất Pháp sưu tầm, như: Sưu tập xương đùi khủng long ở Mường Phalan (Lào) với tuổi địa chất được xác định là thuộc kỷ Creta muộn; sưu tập cá Neogen ở Lào; sưu tập hóa thạch cá Devon; sưu tập hóa thạch động - thực vật Neogen ở Na Dương; mẫu vàng ở Bình Gia; sưu tập mẫu chuẩn đá và quặng Việt Nam; các sưu tập cổ sinh của bộ Atlas cổ sinh (8 tập); mẫu thiên thạch (meteorit).

Bên cạnh các mẫu vật của Việt Nam, BTĐC còn lưu giữ một số sưu tập (là quà tặng) của nước ngoài như: các nước thuộc Liên Xô (cũ), Tiệp Khắc (cũ), Mông Cổ, Thái Lan, Lào,...

Công tác lấy mẫu của BTĐC nhìn chung cũng có các khó khăn đặc thù giống như các đơn vị làm công tác địa chất trong ngành, chẳng hạn như: kinh phí cấp cho công tác lấy mẫu bảo tàng còn ít, không có đơn giá cho công tác lấy mẫu bảo tàng, điều kiện làm việc khó khăn, trang thiết bị lấy mẫu còn thiếu và lạc hậu...

Ngoài ra, còn có các khó khăn riêng như do yêu cầu của mẫu trưng bày (mẫu địa chất trưng bày phải còn tươi, quan sát rõ các đặc điểm, cấu tạo của đá...), nên để tìm được các mẫu đạt yêu cầu đề ra, những người làm địa chất phải dấn thân vào khu vực nguy hiểm để quan sát, phát hiện. Tìm đã khó nhưng đôi khi lấy về còn khó khăn hơn, nhiều khi tìm được vị trí có mẫu đẹp, nhưng với trang thiết bị hiện có thì không thể lấy được mẫu.

Học sinh tham quan Bảo tàng Địa chất

PV: Để người dân hiểu về ngành địa chất nói chung cũng như những mẫu vật địa chất và giá trị của chúng nói riêng, trong công tác tuyên truyền, Bảo tàng cần có biện pháp gì để tăng cường tính giáo dục cộng đồng cũng như thu hút khách tham quan, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như hiện nay?

Ông Trương Quang Quý:

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, lượng khách tham quan đến với các bảo tàng nói chung và BTĐC nói riêng đều giảm đáng kể. So với cùng kỳ các năm, đến thời điểm hiện tại, lượng khách tham quan BTĐC giảm hơm 80%, điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2021. Để đối phó với tình hình dịch bệnh còn có khả năng kéo dài, BTĐC đang nghiên cứu xây dựng việc áp dụng công nghệ thông tin để giới thiệu bảo tàng trên nền tảng số.

BTĐC đã xác định việc chủ động tiếp cận công nghệ, tăng sức hấp dẫn cho các hoạt động tại bảo tàng, di tích là hướng đi cần thiết không chỉ cho giai đoạn hiện nay, mà cả lâu dài. Về hướng đi này, BTĐC có thuận lợi là trước đây đã thực hiện đề tài KHCN “Ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hoá công tác trưng bày của Bảo tàng Địa chất” nhằm giới thiệu hệ thống trưng bày của BTĐC trên website. Các chủ đề trưng bày đã được số hóa, khi có đầy đủ trang thiết bị, đơn vị sẽ triển khai để giới thiệu đến công chúng.

Hàng năm, lượng khách tham quan BTĐC trung bình đạt 6.000 lượt, trong đó phần đông là sinh viên các trường đại học, các nhà nghiên cứu, học sinh các trường phổ thông trung học, ngoài ra còn có không ít các em học sinh tiểu học, học sinh các trường mầm non. Với những đối tượng đó, BTĐC đã có một cách giới thiệu khác, cho các cháu làm quen với các mô hình, các tranh ảnh minh họa các quá trình địa chất…

Ngoài ra, BTĐC còn biên tập các video clip giới thiệu các loại mẫu địa chất, mẫu khoáng sản theo cách dễ hiểu nhất để các em học sinh có thể tiếp thu các kiến thức ban đầu về địa chất khoáng sản khi tham quan BTĐC. Các em sau khi tham quan khu trưng bày của BTĐC đều viết một bài thu hoạch ngắn gọn về những gì vừa được xem ở Bảo tàng, điều này tạo cho các em niềm say mê và trách nhiệm hơn trong quá trình tham quan, là tiền đề hình thành ý thức bảo vệ khoáng sản của mỗi công dân khi các em lớn lên.

PV: Hơn 30 năm gắn bó với nghề địa chất, ông đã tham gia sưu tầm các mẫu vật nào và có những tâm đắc gì ở các mẫu vật này?

Ông Trương Quang Quý:

Hơn 30 năm gắn bó với ngành địa chất, trong đó có 17 năm gắn bó với BTĐC, tôi đã tham gia sưu tầm một số mẫu đóng góp vào bộ sưu tập mẫu của BTĐC. Đặc biệt, từ năm 2008, tôi đã được tham gia thi công Đề án “Nghiên cứu, nâng cao chất lượng các bộ sưu tập hiện có ở Bảo tàng Địa chất và sưu tầm bổ sung các bộ sưu tập mẫu vật đặc thù về địa chất - khoáng sản Việt Nam”. Đến năm 2012, tôi làm Chủ nhiệm đề án này (thay cho Chủ nhiệm đề án đã nghỉ hưu), kết quả của đề án đã bổ sung một số lượng mẫu vật thuộc các phân vị địa chất, phức hệ magma còn thiếu trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng. 

Hệ thống mẫu vật được sưu tầm, bổ sung, lưu giữ và trưng bày tại BTĐC đã làm rõ tính đa dạng và độc đáo về cấu trúc địa chất, loại hình khoáng sản của Việt Nam. Về ý nghĩa của các mẫu vật địa chất, đây là giáo cụ trực quan để phục vụ nghiên cứu, học tập. Ngoài ra, các mẫu địa chất còn có ý nghĩa lớn hơn, giúp cho việc phát hiện các mỏ quặng. Chẳng hạn, trong thời kỳ Việt Nam và Liên Xô (cũ) hợp tác nghiên cứu về địa chất, từ một vật trưng bày tại BTĐC, các nhà địa chất đã phát hiện ra mỏ đất hiếm ở Lai Châu.

Trên cương vị chức trách của mình, bản thân tôi cùng ban lãnh đạo Bảo tàng ngoài công tác chỉ đạo nâng cao chất lượng, giới thiệu các loại mẫu địa chất, mẫu khoáng sản, thời gian tới, cần tích cực tuyên truyền trên nền tảng số để nâng cao giá trị các mẫu địa chất, góp phần khẳng định vai trò của địa chất, khoáng sản trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

BTĐC là một bảo tàng chuyên ngành khoa học tự nhiên có vị thế đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản lưu trữ, trưng bày và truyền bá các tri thức về khoa học trái đất, về địa chất và khoáng sản Việt Nam cũng như lịch sử tiến hóa của chúng. Hàng năm, BTĐC đón trung bình 6.000 lượt khách tham quan. Hiện nay, BTĐC đang trưng bày, lưu giữ, bảo quản 38.087 mẫu vật địa chất khoáng sản, trong đó có những mẫu rất quý hiếm. Tại trụ sở chính ở Hà Nội, đang trưng bày 4.228 mẫu vật và Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh đang trưng bày 3.400 mẫu vật (số mẫu còn lại được lưu giữ, bảo quản trong kho).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tuyên truyền các mẫu địa chất trên nền tảng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO