Đạt được nhiều kết quả quan trọng
Cụ thể, trong công tác truyền thông, TP. Cần Thơ đã triển khai sâu rộng các nội dung của Nghị quyết 120/NQ-CP và Kế hoạch số 84/KH-UBND của UBND TP. Cần Thơ đến các cấp, các ngành và quận, huyện bằng nhiều hình thức cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư nắm bắt và triển khai thực hiện; đồng thời, lồng ghép các nội dung về BĐKH, môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vào các hoạt động thường xuyên của sở, ngành, đoàn thể, quận, huyện của Thành phố.
Đối với quy hoạch, TP. Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; lập thủ tục bãi bỏ các Quy hoạch sản phẩm theo Luật Quy hoạch; thực hiện rà soát quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, tổ chức lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 đối với 05 quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Ô Môn, Thốt Nốt và Cái Răng trên cơ sở rà soát, cập nhật các định hướng phát triển chung về kinh tế - xã hội và các tác động của môi trường, BĐKH. Đồng thời, rà soát nhu cầu thực tế các hộ tái định cư và các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở để có giải pháp thực hiện phân kỳ đầu tư dự án.
Căn cứ vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, TP. Cần Thơ đã tổ chức lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị như: quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch thoát nước, quy hoạch cấp nước. Đây là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển đô thị của thành phố trong thời gian tới.
Việc phân bổ nguồn lực cho nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, TP. Cần Thơ luôn quan tâm đầu tư các dự án ứng phó với BĐKH. Từ năm 2016 đến 2019, đã phân bổ tổng cộng 3.828,7 tỉ đồng, trong đó đầu tư cho các dự án ngành nông nghiệp, thủy lợi trên 1.083 tỉ đồng; ngành phát triển đô thị hơn 2.650 tỉ đồng; ngành cấp nước 95 tỉ đồng. Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, Cần Thơ đã triển khai dự án phát triển thành phố và tăng cường khả năng thích ứng đô thị với tổng số tiền 4.025 tỉ đồng.
Hiện tại, TP. Cần Thơ đã và đang thực hiện dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt nội ô quận Ninh Kiều với công suất 30.000m3/ngày đêm, đưa vào vận hành chính thức nhà máy đốt rác phát điện công suất 400 tấn/ngày. Bên cạnh đó, Thành phố đang tăng cường nguồn cung cấp nước sạch sử dụng nước mặt bằng nguồn ngân sách và xã hội hoá, từng bước chuyển đổi sang sử dụng nước mặt đối với các trạm cấp nước nông thôn và đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.
Trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, từ năm 2017 - 2018, TP. Cần Thơ đã triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố và 06 nhiệm vụ cấp huyện nghiên cứu, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển bền vững, thích ứng BĐKH; tổ chức hội nghị áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp, nhằm tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nhận thức về sản xuất sạch hơn để ngày càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn có thể hiểu rõ lợi ích từ sản xuất sạch hơn để áp dụng trong sản xuất.
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hiện TP. Cần Thơ đã xây dựng 03 mô hình thí điểm tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 05 mô hình chiếu sáng học đường tiết kiệm điện, bảo vệ thị lực cho học sinh; 04 mô hình thí điểm về sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tủ điều khiển hiện đại trong chiếu sáng công cộng tại các quận, huyện; đầu tư thay thế, cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng từ các loại đèn cao áp bằng đèn LED tiết kiệm năng lượng.
Đối với công tác cải cách hành chính, TP. Cần Thơ quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện nghiêm cơ chế “một cửa hiện đại” và “một cửa liên thông” rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí thời gian, chi phí đi lại, nổi bật nhất là tỉ lệ giải quyết hồ sơ trước hẹn cho tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường đạt gần 94%; đăng ký thành lập, thay đổi đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn từ 05 ngày xuống còn 03 ngày làm việc; thủ tục giải thể doanh nghiệp được rút ngắn từ 07 ngày xuống còn 05 ngày…
Đối với công tác hợp tác quốc tế, TP. Cần Thơ đã chính thức trở thành thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu (100RC) do Quỹ Rockefeller khởi xướng, với mục tiêu hỗ trợ thành phố xây dựng khung chiến lược có khả năng thích nghi, chống chịu trong tương lai với các vấn đề, áp lực cũng như cú sốc bất thường lên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường để phát triển một cách bền vững.
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp
Trong thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết 120/NQ-CP bằng các giải pháp như: tiếp tục rà soát các quy hoạch, lập Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch thành phố, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thực hiện theo đúng quy định; triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý so quy định, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) giữ vững vị trí trong tốp đầu của cả nước; thu hút ngày càng nhiều dự án quy mô lớn mang tính kết nối, các dự án công nghệ mới, công nghệ cao, thích ứng với BĐKH; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng ĐBSCL để phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng được lợi thế so sánh của từng địa phương tạo động lực mạnh mẽ trong thu hút các nguồn lực phát triển.
Mặt khác, TP. Cần Thơ cũng sẽ tham gia thí điểm cơ chế Ủy ban Điều phối liên kết vùng ĐBSCL, xác định các ưu tiên liên kết để xây dựng khung liên kết, cơ chế góp vốn phục vụ hoạt động liên kết; triển khai thực hiện Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên” sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục phát huy sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, huy động tốt hơn nữa sự tham gia của cộng đồng cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH trên địa bàn thành phố…
Để thực hiện được những giải pháp này, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, quận, huyện, thì TP. Cần Thơ cũng kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, hoàn thiện đồng bộ với chủ trương tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực; chú trọng đầu tư các công trình tạo đột phá cho phát triển của thành phố, tăng cường tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mang tính chất cấp vùng để ứng phó BĐKH.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp, có thể tích hợp, chia sẻ các nguồn thông tin đảm bảo tin cậy nhằm nâng cao năng lực ứng phó; có cơ chế phối hợp cụ thể, rõ ràng, đồng bộ theo chiều ngang giữa các địa phương và theo chiều dọc giữa các cơ quan Trung ương và địa phương để kịp thời quản lý, giải quyết các vấn đề được tập trung hiệu quả; xây dựng chính sách huy động nguồn lực cho phát triển mang tính liên vùng, tập trung vào cơ chế huy động nguồn vốn, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tối đa các nguồn lực của TP. Cần Thơ.