Cần phát triển công nghệ quản trị thông minh hệ thống không gian địa chất đô thị

Mai Đan| 06/06/2020 09:16

(TN&MT) - Quản lý đô thị thông minh đa mục tiêu bằng công nghệ số là xu hướng tất yếu trên thế giới, đặc biệt đối với các đô thị có quy mô lớn. Do đó, dự án “Phát triển hệ cơ sở dữ liệu địa chất đô thị và phát triển công nghệ quản trị thông minh hệ thống không gian địa chất đô thị ở Việt Nam” tiếp cận với công nghệ tiên tiến thế giới là cấp thiết.

“Nút thắt” trong quy hoạch phát triển tổng thể đô thị

Ngày nay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp trên quy mô toàn cầu và Việt Nam là một trong 10 quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bên cạnh đó, Việt Nam có số lượng đô thị tiếp tục tăng lên nhanh chóng.

Tính đến tháng 6/2018, cả nước đã có 813 đô thị, với tỷ lệ đô thị hóa cao gồm: 2 đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh), 17 đô thị loại I trong đó có 3 đô thị loại I trực thuộc TW (Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ), 28 đô thị loại II… Theo đánh giá của WB, Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, từ đó dẫn tới nhu cầu sử dụng không gian tăng rất nhanh để đáp ứng với mật độ dân số tại các đô thị.

Đứng trước áp lực đô thị hóa nhanh chóng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, chúng ta đang đề cập đến vấn đề là làm thế nào để quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị phục vụ phát triển bền vững?

Trong giai đoạn 1992-2004, Chương trình Địa chất đô thị Việt Nam đã hoàn thành nộp lưu trữ và bàn giao cho Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Bộ Xây dựng, các tỉnh và thành phố toàn bộ các báo cáo "Điều tra địa chất đô thị" đã tiến hành ở 59 đô thị và 3 hành lang kinh tế trọng điểm.

Quản lý đô thị thông minh đa mục tiêu bằng công nghệ số là xu hướng tất yếu

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ở các đô thị lớn ở nước ta diễn ra với tốc độ nhanh. Việc quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị giai đoạn hiện nay và tương lai đang đối mặt với nhiều thách thức.

Thêm vào đó, đối tượng chịu sự quản lý dưới không gian ngầm: đa dạng, phức tạp, có lịch sử lâu dài. Hoạt động trên mặt đất làm phức tạp không gian ngầm phía dưới. Toàn bộ thông tin về đối tượng ngầm chưa được điều tra chi tiết và hệ thống hóa trong các cơ sở dữ liệu. Việc quản lý hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm phức tạp (cấp thoát nước, điện…) không được quản lý một cách hệ thống, được xây dựng trước đây từ hàng trăm năm.

Trong khi đó, việc xây dựng hệ thống CSDL địa chất hoàn chỉnh phục vụ quy hoạch khai thác không gian, tài nguyên dưới lòng đất và hệ thống cảnh báo tai biến địa chất chưa được nghiên cứu đầy đủ dẫn đến gặp khó khăn trong công tác quy hoạch phát triển tổng thể của đô thị.

Bên cạnh đó, nền địa chất đô thị luôn hiện hữu các nguy cơ về tai biến địa chất như: sụt lún, ô nhiễm nguồn nước, ngập lụt, thoát khí độc, ô nhiễm trường điện từ… cùng với sự phân tán, thiếu đồng bộ các kết quả điều tra thực thể địa chất (địa chất thủy văn, địa chất công trình) của nền địa chất cho thấy cần phải hệ thống hóa dữ liệu bằng công nghệ số, làm cơ sở cho việc quản lý, quy hoạch và xây dựng các công trình trên mặt và công trình ngầm.

Cần xây dựng dự án về không gian địa chất đô thị ở Việt Nam

Trong bối cảnh trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ TN&MT đã đề xuất xây dựng dự án “Phát triển cơ sở dữ liệu địa chất đô thị và phát triển công nghệ quản trị thông minh hệ thống không gian địa chất đô thị ở Việt Nam”. Theo đề xuất, chủ đầu tư của dự án là chính phủ Việt Nam; cơ quan chủ trì dự án là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Dự kiến, mục tiêu cơ bản của Dự án là phát triển cơ sở dữ liệu địa chất đô thị, hệ quản trị thông minh và cập nhật hệ thống không gian ngầm đô thị phục vụ quản lý, quy hoạch và phát triển bền vững cho các đô thị ở Việt Nam.

Dự án dự kiến được triển khai trên phạm vi các đô thị ở Việt Nam; các thực thể nền địa chất – địa chất công trình đô thị, các công trình hạ tầng đã được xây dựng trước đây, các tầng chứa nước, ngoại trừ các khu vực an ninh, quốc phòng và khu vực cấm.

Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2030. Để đảm bảo thực hiện dự án có hiệu quả, khả thi, dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2020-2024): Dự án tiến hành phát triển cơ sở dữ liệu địa chất đô thị và hệ quản trị thông minh hệ thống không gian ngầm cho 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng; giai đoạn 2 (từ năm 2025-2030): Dự án tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất và hệ quản trị thông minh hệ thống không gian ngầm cho các thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hạ Long và các đô thị còn lại.

Kết quả dự kiến của dự án sẽ cung cấp một nền tảng cơ sở dữ liệu địa chất đô thị và hệ quản trị thông minh, phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng đô thị một cách khoa học và hợp lý với tình hình phát triển các đô thị, tầm nhìn 2050.

Theo TS. Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, thủ đô các nước phát triển (London (Anh), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Singapore…) đã triển khai các Dự án địa chất đô thị cách đây từ rất lâu. Do đó, dự án “Phát triển cơ sở dữ liệu địa chất đô thị và phát triển công nghệ quản trị thông minh hệ thống không gian địa chất đô thị ở Việt Nam” tiếp cận với công nghệ tiên tiến thế giới là cấp thiết, đồng thời là cơ sở để quản lý, quy hoạch, phát triển các đô thị ở Việt Nam phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đang trong quá trình tiếp thu các ý kiến của các cơ quan thuộc Bộ TN&MT để tiếp tục rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện dự án; từ đó có cơ sở để đề xuất thuyết minh, báo cáo Chính phủ; cũng như có được sự phối hợp, quan tâm của các bộ, ngành liên quan về tính cấp thiết, cấp bách của dự án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần phát triển công nghệ quản trị thông minh hệ thống không gian địa chất đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO