Cần nâng vai trò của cấp huyện trong quản lý khoáng sản chưa khai thác

Thanh Ngà (thực hiện)| 25/10/2022 15:04

(TN&MT) - “UBND các huyện, thị xã, thành phố có vai trò quan trọng trong công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác” - đó là nhận định của ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo TN&MT về công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

PV: Ông có thể cho biết đôi nét về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay và hiệu quả của hoạt động này đối với địa phương?

11-1-.jpg

Ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái

Ông Lê Công Tiến: Yên Bái là tỉnh có tiềm năng khoáng sản khá phong phú và đa dạng, trong đó, một số loại có trữ lượng lớn, chất lượng tốt đã được đưa vào khai thác có hiệu quả như: Đá vôi trắng, caolanh - felspat, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, quặng sắt, quặng chì - kẽm... tập trung nhiều ở các huyện Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình.

Các đơn vị hoạt động khai thác chủ yếu với phương pháp khai thác lộ thiên hoặc hầm lò, sử dụng nhiều loại máy móc thiết bị hỗ trợ, công tác chế biến từ đơn giản (đá, cát, sỏi) đến chế biến sâu (đá vôi trắng, quặng các loại). Các tổ chức hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, quan tâm hơn đến quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn, quy định về bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản.

Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian quan đã mang lại những hiệu quả nhất định, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và tạo được nhiều việc làm cho người lao động (gần 3.000 người) góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo. Bên canh đó, về nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã đóng góp, ủng hộ cho địa phương nhiều công trình công cộng, cùng các hoạt động xã hội khác.

PV: Thời gian qua, Sở TN&MT đã tăng cường công tác quản lý khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản chưa khai thác. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép tại một số địa phương vẫn xảy ra. Vậy nguyên nhân này do đâu, thưa ông?

Ông Lê Công Tiến: Mặc dù, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, Sở TN&MT đã thường xuyên đôn đốc nhưng hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra một vài nơi trên địa bàn tỉnh.

Vì nhiều lý do khác nhau, công tác bảo vệ khoáng sản chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức và cá nhân còn hạn chế, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đặc biệt, việc quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị (tàu, thuyền), thiếu lực lượng để thường xuyên kiểm soát, bảo vệ khoáng sản.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong kiểm soát nguồn gốc khoáng sản, vận chuyển khoáng sản của UBND cấp huyện và cơ quan, lực lượng có liên quan còn chưa chặt chẽ. Đối với việc kiểm soát nguồn gốc khoáng sản, công cụ khả thi nhất vẫn là thực hiện quy định về hóa đơn trong mua bán hàng hóa. Công tác này đã được UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan (lực lượng công an) phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, kết quả còn có những hạn chế.

11-2-.jpg

Hoạt động khai thác khoáng sản đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

PV: Theo ông, việc để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trách nhiệm phần lớn thuộc về đâu?

Ông Lê Công Tiến: Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 31/10/2017 và Phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2231/QĐ-UBND ngày 29/9/2020. Trong đó, quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, các nhiệm vụ đã được phân cấp rõ ràng, không trùng lặp.

Đặc biệt, đối với khoáng sản chưa khai thác, Sở TN&MT có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản; chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, chỉ đạo huy động và phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Cùng với đó, xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cấp tỉnh và đề xuất các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Đối với việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, vai trò, nhiệm vụ chủ yếu của UBND cấp huyện: Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật, chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ; Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Khi cần thiết, huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn thực hiện các biện pháp để giải tỏa, xử lý, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; Xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của cấp huyện.

Như vậy, UBND cấp huyện đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản tại địa phương, có trách nhiệm chính trong việc trực tiếp chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

PV: Để hạn chế, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, thời gian tới, Sở có kế hoạch gì?

Ông Lê Công Tiến: Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng khai thác khoáng sản trái phép Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, đề nghị UBND cấp huyện thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo chức năng, nhiệm vụ.

Cùng với đó, đề nghị Công an, Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường hơn nữa trong công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thị xã để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác, chế biến, thu mua, tàng trữ, kinh doanh, tập kết, vận chuyển khoáng sản trái phép. Nâng cao vai trò, xác định trách nhiệm các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan trong việc để xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nâng vai trò của cấp huyện trong quản lý khoáng sản chưa khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO