Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn - Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, nhấn mạnh: Ra đời ngày 27/11/1961, qua hơn 57 năm hình thành và phát triển, ngành Dầu khí Việt Nam đã phát triển đồng bộ, hiện đại, giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, PVN thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. PVN là tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay Tập đoàn đang triển khai thực hiện hoạt động dầu khí tại 14 nước trên thế giới…
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng tổng sản lượng khai thác quy dầu của Tập đoàn 11 tháng năm 2018 là 22,1 triệu tấn, hoàn thành 96,8% kế hoạch năm. Sản lượng sản xuất điện, xăng dầu và đạm trong 11 tháng qua đều đạt chỉ tiêu đề ra. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 11 tháng đạt 542.344 tỷ đồng, vượt 2,2% kế hoạch năm. Đặc biệt, chỉ qua 11 tháng, Tập đoàn đã nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 108.122 tỷ đồng, vượt 46,5% kế hoạch năm 2018. Về lợi nhuận, tập đoàn đạt được 45,561 nghìn tỷ đồng, tăng 88% so với kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, thành viên Hội đồng thành viên PVN cho biết có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực, sự vận dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý chỉ đạo điều hành, cải cách và tái cấu trúc toàn bộ bộ máy của tập đoàn. Bên cạnh đó, PVN còn vinh dự đứng đầu danh sách 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018”.
PVN cũng là đơn vị đứng thứ 2 về cung cấp điện với tổng công suất các nhà máy điện của PVN đến nay đạt 4.214 MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia. Đặc biệt, công trình Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, công trình thế kỷ, biểu tượng của ngành lọc hóa dầu Việt Nam từ khi chính thức đưa vào vận hành sản xuất đến nay đã sản xuất khoảng 6 triệu tấn dầu/năm, đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, đặc biệt là đáp ứng nhiên liệu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.
Tại tọa đàm, ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu đều khẳng định vị trí, vai trò của ngành Dầu khí đối với sự phát triển của đất nước là vô cùng quan trọng, không chỉ trong giai đoạn trước, hiện nay mà cả sau này, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, trước những biến động đầy khó khăn của thị trường dầu mỏ thế giới, tình hình biển Đông, cạnh tranh quốc tế, bảo hộ thương mại…, ngành Dầu khí đang đứng trước những thách thức to lớn trong quá trình phát triển, đặc biệt là thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2035 đã được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg ngày 14/10/2015. Đặc biệt là cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho ngành Dầu khí phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cần sớm sửa đổi, ban hành Luật Dầu khí theo hướng điều chỉnh các hoạt động liên quan đến dầu khí gồm 2 phần: Thượng nguồn và trung, hạ nguồn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho PVN và nhà đầu tư vào chuỗi giá trị của ngành Dầu khí, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí; bổ sung các đối tượng dầu khí phi truyền thống (khí than, khí sét, băng cháy…) vào phạm vi điều chỉnh của Luật Dầu khí; có điều khoản ưu đãi hợp lý để thu hút vốn đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác các đối tượng dầu khí phi truyền thống.