Sống chung cùng ô nhiễm
Có mặt tại thôn Đông Lai, xã Liên Hồng ngày 15/7/2022 sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận tình trạng lấn chiếm hành lang đê, đường dân sinh làm nơi tập kết nguyên, vật liệu, thành phẩm gỗ… của các xưởng mộc nơi đây.
Trong vòng bán kính chưa đầy 1km trên đường đê, liên tiếp có các xưởng mộc xen kẽ quanh các khu dân cư hoạt động rầm rộ. Trong thôn, xóm, cuộc sống của người dân cũng bị đảo lộn bởi tiếng xẻ gỗ, cưa kéo, sấy gỗ, xe tải vận chuyển chạy ầm ầm, khói bụi mộc mịt mù gây ô nhiễm...
Tại khu vực thôn Đông Lai, các xưởng gỗ quy mô lớn nằm ngay đầu cổng thôn, đón hướng gió thổi nên mùi sơn, bụi mộc, dăm gỗ từ hoạt động sản xuất của các xưởng gỗ này chỉ quanh quẩn trong khu dân cư, thổi thẳng vào nhà dân.
Bà H.T.H sống ở thôn Đông Lai bức xúc chia sẻ: "Hàng ngày, hàng chục ống xả khí thải ở các xưởng gỗ xả bụi ra môi trường gây ô nhiễm. Họ còn lấn chiếm đường đê, đường đi lại của xóm để gỗ, máy móc đầy ra đường. Người lớn còn sợ chứ đừng nói đến trẻ em".
Hầu hết các xưởng gỗ trên địa bàn xã Liên Hồng đã hoạt động từ lâu, hiện nay quy mô đang có dấu hiệu cơi nới, mở rộng, hành vi lấn chiếm “lộ thiên” thách thức chính quyền và dư luận. Nhiều hộ dân xã Liên Hồng đang “sống mòn” cùng bụi mộc, dăm gỗ. Vùng quê bình yên bị xáo trộn bởi tiếng máy cưa, máy mài, đánh giáp… hoạt động suốt ngày đêm.
Bao giờ trả lại bình yên?
Ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch UBND xã Liên Hồng thừa nhận: Một số xưởng mộc trên địa bàn có dấu hiệu lấn chiếm hành lang đê, đường dân sinh, hoạt động sản xuất gây khói bụi ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Ông Toàn cho biết thêm: UBND xã Liên Hồng thường xuyên tuyên truyền, vận động, lập kế hoạch chi tiết, cụ thể công tác hàng năm về bảo vệ môi trường và các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất mộc tại địa phương. Lý giải việc các nhà xưởng sản xuất gỗ nằm xen kẽ trong khu dân cư chưa được xử lý, di dời, ông Toàn cho hay hiện xã Liên Hồng có đề xuất xin quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề nhưng chưa được phê duyệt nên các hộ nghề mộc tự xây nhà xưởng trên đất thổ cư của gia đình để làm nơi sản xuất.
Được biết, ngày 23/7/2022, UBND xã Liên Hồng đã mời các hộ sản xuất mộc tại thôn Đông Lai đến UBND xã để làm việc về công tác phòng cháy chữa cháy và việc áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Theo đó, UBND xã yêu cầu các hộ sản xuất tự thu dọn các bãi tập kết nguyên liệu đang lấn chiếm đường giao thông, đồng thời yêu cầu các hộ tự tháo dỡ các ống hút bụi gây ô nhiễm môi trường. Thời gian thực hiện từ ngày 23/7/2022 đến ngày 24/7/2022.
Ngày 25/7/2022, Tổ công tác do ông Bùi Đình Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hồng làm trưởng đoàn đã xuống kiểm tra thực tế tình hình thực hiện của các hộ sản xuất. Qua kiểm tra, còn 1 hộ mới chỉ tháo dỡ một phần công trình vi phạm. UBND xã đã tiến hành cưỡng chế giải tỏa công trình vi phạm theo quy định.
Ông Toàn nhấn mạnh: “Bước đầu xã sẽ yêu cầu các xưởng gỗ nghiêm túc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, cam kết thực hiện đảm bảo trật tự đô thị. Xã kiên quyết xử lý và cưỡng chế các trường hợp cố tình vi phạm. Phấn đấu hết năm 2022 sẽ xử lý triệt để các trường hợp nhà xưởng trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường”.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 29/7/2022, cơ bản các bãi tập kết nguyên, vật liệu gỗ đã được thu dọn gọn gàng. Công trình cơi nới bằng khung sắt lợp tôn, thang tời, những ống khói “bức tử” không khí khu dân cư đã được tháo dỡ.
Bà D.T.T nhà đối diện xưởng gỗ chia sẻ: “Mong rằng chính quyền sớm có phương án kiên quyết xử lý dứt điểm các xưởng gỗ gây ô nhiễm vì tình trạng này đã kéo dài và tái diễn lâu rồi. Để người dân nơi đây, đặc biệt là các cháu nhỏ được an tâm sinh sống, vui chơi”.
Việc xưởng mộc gây ô nhiễm khu dân cư không còn là chuyện mới, chính quyền xã Liên Hồng cần quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý nghiêm, tránh tình trạng “nhờn luật”, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.