Cần giải pháp hiệu quả hơn với tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai và đại dịch Covid-19

Tuyết Chinh – Khương Trung| 20/05/2020 12:01

(TN&MT) - Tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với đại dịch Covid-19 đối với người dân; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là nội dung cấp bách cần được quan tâm phản ánh đầy đủ và có giải pháp hiệu quả hơn.

Báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XIV, sáng 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, sau đó lan rộng ra các quốc gia. Mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng.

Trong Quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gặp khó khăn; các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh; ngành du lịch, giao thông vận tải, kho bãi, giáo dục - đào tạo, y tế, kinh doanh bất động sản … cũng chịu ảnh hưởng lớn.Nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất, kinh doanh. Tín dụng tăng trưởng chậm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tháng 4 giảm sâu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trong khuôn khổ Kỳ họp sáng 20/5. Ảnh: Quốc Khánh

Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nổi lên trong 4 tháng đầu năm

Theo ông Vũ Hồng Thanh, trong 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản bình quân tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. Có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng thiết yếu.

“Thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm khi nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng với các biện pháp ưu đãi về thuế”, ông Thanh thông tin.

Về đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.

Sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu. Việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.

Về giáo dục, đào tạo, nhiều ý kiến quan tâm đến việc thay đổi kế hoạch dạy học, khung thời gian năm học và đề nghị đánh giá khách quan chất lượng giảng dạy, học tập trực tuyến; làm rõ việc thu học phí, phụ phí trong thời gian học sinh học trực tuyến; làm rõ khó khăn của cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là cấp mầm non; phương thức lựa chọn và giá sách giáo khoa mới.

Đặc biệt, ttình hình biến đổi khí hậu, thiên tai: hạn hán, sạt lở, lũ quét, mưa đá, dông lốc ở nhiều tỉnh, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn tới trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.

“Tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với đại dịch Covid-19 đối với người dân, nhất là ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước gắn với phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên là nội dung cấp bách cần được quan tâm phản ánh đầy đủ và có giải pháp hiệu quả hơn”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Bên cạnh đó, dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực đến mối quan hệ đối ngoại trên thế giới và việc Việt Nam chuẩn bị tổ chức các sự kiện quốc tế; đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về vấn đề này.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả xử lý 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mua bắt buộc; việc tính toán giá điện trong bối cảnh nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh. Tình hình bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy nổ còn nhiều bất cập. Tình hình chặt phá rừng ở Tây Nguyên thời gian gần đây diễn ra phức tạp. Xảy ra một số vụ án giết người nghiêm trọng, lợi dụng tôn giáo, mạng xã hội, ứng dụng di động để cho vay nặng lãi, lừa đảo, trục lợi... Một số vụ việc liên quan đến bảo kê, băng nhóm gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có ý kiến đề nghị đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Chú trọng xử lý các điểm nghẽn, nút thắt

Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện. Trong những tháng cuối năm 2020, đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020. Kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước. Các chính sách kinh tế, chính sách tài chính, ngân sách, tín dụng để kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19 (nếu có) phải bảo đảm đúng đối tượng, liều lượng và thời điểm, tính toán kỹ khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm nếu có xảy ra.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa. Phát huy vai trò của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường theo dõi, dự báo, có giải pháp đón đầu việc tái mở cửa của các nước và xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, cơ sở sản xuất từ các nước sang Việt Nam.

Cần chú trọng tái cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: VD

Cùng với đó, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn. Khẩn trương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hệ thống quy hoạch theo Luật Quy hoạch để triển khai cho giai đoạn sau năm 2020.

Chú trọng tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động triển khai xây dựng các công trình tích nước; nghiên cứu chuyển đổi từ trồng các loại cây xuất khẩu khó khăn, giá trị gia tăng thấp sang các loại cây thị trường trong nước có nhu cầu cao, nhập khẩu nhiều, giá trị gia tăng lớn. Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tái đàn lợn trong nước, tạo thuận lợi để doanh nghiệp nhập khẩu lượng thịt lợn hợp lý, cân bằng cung cầu trong nước. Rà soát, đánh giá cân đối nhu cầu dự trữ đối với các mặt hàng thiết yếu (nhất là lúa gạo) để tranh thủ cơ hội cạnh tranh, nhu cầu và giá xuất khẩu tăng cao.

Thực hiện tốt việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nghiên cứu hoàn thiện quy chế, công nghệ đào tạo trực tuyến, trang thiết bị, phương thức đánh giá chất lượng để có thể phát triển ổn định. Đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động, tăng số lượng lao động lành nghề, đặc biệt là trình độ kỹ thuật tay nghề. Chú trọng đầu tư cho hệ thống y tế, củng cố hệ thống y tế công cộng, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe và trang bị các thiết bị y tế đầy đủ; chủ động tăng cường phòng chống dịch bệnh.

Tổ chức cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm có tổ chức kiểu “xã hội đen”, giết người, tội phạm về ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản, tội phạm mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; giữ gìn an ninh trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Bảo đảm công tác an ninh, trật tự phục vụ tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp. Kiểm soát và quyết liệt giải quyết hiệu quả ô nhiễm không khí, nguồn nước, tiếng ồn.

Khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA. Theo dõi sát diễn biến chính trị quốc tế, đặc biệt sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trong đó có vấn đề thương mại và dịch bệnh .Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp hiệu quả hơn với tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai và đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO