Đất đai

Cần Đước (Long An): Khai thác hiệu quả đất nông nghiệp nâng cao đời sống người dân

Bạch Thanh (thực hiện) 16/07/2024 - 14:20

(TN&MT) – Thời gian qua, huyện Cần Đước đã và đang tập trung quản lý và sử dụng các nguồn lực về đất đai, đặc biệt là chú trọng đến lĩnh vực khai thác hiệu quả đất nông nghiệp để nâng cao cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển theo hướng bền vững. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước xung quanh nội dung này.

PV: Xin ông cho biết những điểm nổi bật trong công tác khai thác hiệu quả đất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Minh Vương:

Thời gian qua, Cần Đước được xác định là một trong những huyện trọng điểm về công nghiệp của tỉnh Long An, nhưng hiện nay lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Do đó, huyện đầu tư nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp với việc tăng cường đầu tư cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, chất lượng cao.

vuong.jpg
Ông Nguyễn Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước (Long An)

Trong vòng 5 năm trở lại đây, diện tích cây lúa được duy trì với diện tích gieo trồng 18.953 ha. Năng suất, sản lượng đều đạt và vượt kế hoạch hàng năm, tổng sản lượng thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt trên 454.500 tấn; trong đó, năm 2023 là hơn 88.800 tấn, năm 2024 ước đạt 86.000 tấn. Việc xây dựng và thực hiện cánh đồng lúa chất lượng cao ngày càng được người dân tích cực tham gia và đây là cơ sở để từng bước thực hiện cánh đồng lớn.

Bên cạnh cây lúa, cây rau là cây trồng phát triển rất ổn định, diện tích trồng khoảng 700 ha, trong đó rau ăn lá chiếm 80%. Năng suất, sản lượng đều đạt và vượt kế hoạch hàng năm. Diện tích trồng rau an toàn ngày càng phát triển; giá bán ổn định, người trồng có lãi gần 100 triệu đồng/ha/năm. Nông dân ngày càng chú trọng việc sản xuất rau an toàn, từng bước cải thiện quy trình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm; tăng tỷ trọng sử dụng các chế phẩm phân hữu cơ sinh học, giảm dần phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly bảo đảm theo quy định.

Ngoài ra, diện tích nuôi thủy sản vẫn được duy trì 1.400 ha. Trong 5 năm qua sản lượng đều đạt và vượt kế hoạch hàng năm, ước tổng sản lượng giai đoạn 2021 -2025 là 23.811 tấn; trong đó, năm 2022 là 5.700 tấn, năm 2023 là 4.612 tấn, năm 2024 ước đạt 4.550 tấn, và đến năm 2025 ước đạt 4.600 tấn.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về những mô hình hay, việc làm hiệu trong sử dụng đất nông nghiệp góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương?

Ông Nguyễn Minh Vương:

Để người dân thông suốt chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện, an toàn, bền vững, chất lượng cao, huyện Cần Đước luôn quan tâm tập trung tuyên truyền thông qua hội nghị triển khai nghị quyết, sinh hoạt các đoàn thể trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân nắm bắt, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, qua đó tư duy canh tác thay đổi. Ngành nông nghiệp huyện cũng tổ chức các mô hình, áp dụng công nghệ mới, xây dựng quy trình sản xuất hiệu quả để tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

h2.jpg
Khai thác hiệu quả đất nông nghiệp nâng cao đời sống người dân

Điển hình như, những năm qua, địa phương đã hỗ trợ xây dựng các mô hình “Cánh đồng canh tác lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ” khoảng 50 ha tại các xã: Phước Đông, Phước Tuy, Long Sơn, Tân Trạch, Mỹ Lệ, Long Cang, Tân Lân, Tân Ân; mô hình “Cánh đồng canh tác lúa nàng thơm Chợ Đào theo hướng hữu cơ” 5 ha và Chương trình hỗ trợ 50% giá giống cho 50 ha canh tác lúa Nàng Thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ.

Song song đó, huyện còn tổ chức hội thảo, tập huấn cho nông dân vùng trồng rau ứng dụng công nghệ cao với 17 cuộc và 625 nông dân tham dự tại các xã: Long Khê, Long Trạch, Tân Trạch, Phước Vân. Qua triển khai mô hình, nhận thức của người dân về sản xuất rau an toàn được nâng lên, từng bước áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Mô hình này giảm chi phí sản xuất, giảm sâu, bệnh và hiệu quả cao hơn so với cách trồng truyền thống.

Đối với các xã vùng hạ, nhất là các xã vùng ngập mặn với thế mạnh nuôi trồng thủy sản, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng được thực hiện. Hàng năm Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh xây dựng mô hình điểm và nhân rộng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Chánh.

Ngoài ra, toàn huyện có gần 385 ha nuôi tôm công nghiệp, 2 hợp tác xã nuôi tôm công nghệ cao, 8 tổ liên kết nuôi tôm và 01 hội quán nuôi tôm. Hầu hết, nuôi tôm theo mô hình công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, các xã tiếp tục vận động, hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình phù hợp thực tế, khả năng đầu tư; tổ chức cho nông dân tham quan mô hình, tập huấn kỹ thuật nuôi tiên tiến, hỗ trợ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện.

PV: Thời gian tới, huyện Cần Đước sẽ có giải pháp nào để tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về đất nông nghiệp để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Vương:

Mặc dù còn nhiều khó khăn tác động đến sản xuất nông nghiệp nhưng với sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế từng vùng sinh thái; lúa vẫn là cây trồng chủ lực và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu cây trồng.

h3.jpg
Huyện Cấn Đước phát huy lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian tới, huyện Cần Đước tiếp tục đặt ra nhiều giải pháp nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về đất đai, nhất là lĩnh vực đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất hiệu quả, nâng cao đời sống người dân. Nhiệm vụ trước mắt là quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, trong đó chú trọng đến phân vùng sử dụng đất phù hợp với điều kiện tự nhiên, định phướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Kế đến là nghiên cứu xây dựng quy hoạch đê bao, hệ thống thủy lợi từng tiểu vùng đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi hiện có nhằm phục vụ sản xuất được tốt và đảm bảo cho phòng chống lụt bão. Theo dõi chặt chẽ tình hình chất lượng nước, mực nước để có kế hoạch vận hành tốt các cống đầu mối phù hợp với lịch thời vụ sản xuất. Chú ý thực hiện nhiều giải pháp chống hạn và chống úng, chống mặn xâm nhập vào đồng ruộng trong mùa khô để phục vụ sản xuất của người dân.

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và quán triệt “Đề án thực hiện chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững, giai đoạn 2021-2025” tạo sự thống nhất về nhận thức, quyết tâm thực hiện đề án trong cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, làm thay đổi nhận thức, hành động, thói quen canh tác nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh, hướng dẫn người dân thực hiện đúng cơ cấu giống, thời vụ; giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả, những biện pháp kỹ thuật thâm canh, những giống cây trồng mới, thông tin thị trường, diễn biến của thời tiết, các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất và biện pháp khắc phục. Đồng thời khuyến cáo, tập huấn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là việc áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới thân thiện môi trường…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Đước (Long An): Khai thác hiệu quả đất nông nghiệp nâng cao đời sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO