Cần đưa tiếng nói thanh niên vào các cuộc đàm phán về khí hậu
(TN&MT) - Cộng hòa Trinidad và Tobago được mô tả là một trong những “quốc gia tiền tuyến”, những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của tình trạng khẩn cấp về khí hậu và các nhà hoạt động thanh niên trong nước đã kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để chống khủng hoảng khí hậu ở cả trong và ngoài nước.
Các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương trước những hậu quả của biến đổi khí hậu, như mực nước biển dâng cao và mưa lớn gây lũ lụt, nhiệt độ đại dương tăng cao ảnh hưởng đến các rạn san hô và hoạt động đánh bắt cá cũng như các cơn bão thường xuyên phá hủy nhà cửa và sinh kế. Những quốc gia này thường có điều kiện kinh tế mong manh và không có đủ phương tiện để giúp công dân của họ ứng phó với những vấn đề này.
Trước tình hình này, nhiều người trẻ cho rằng họ muốn và cần những thay đổi khẩn cấp để đảm bảo họ có một thế giới đáng sống. Trên khắp thế giới, thanh niên đều mong muốn đạt được những kỹ năng cần thiết để tìm ra các giải pháp.
Chị Priyanka Lalla, nhà hoạt động vì khí hậu tuổi teen và là người ủng hộ thanh niên của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho vùng phía Đông Caribe, đại diện cho Trinidad và Tobago tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 ở Glasgow; anh Joshua Prentice, nhà khoa học về khí hậu và đại dương, đã làm việc với Liên hợp quốc về các dự án liên quan đến hóa chất và rác thải và chị Zaafia Alexander - người sáng lập 18 tuổi của một tổ chức phi chính phủ (NGO) chuyên nâng cao nhận thức về cuộc khủng hoảng khí hậu và nâng cao tiếng nói của giới trẻ Caribe trên trường quốc tế đã có những chia sẻ với UN News về tình trạng khẩn cấp về khí hậu và giải pháp cho vấn đề này.
Lực lượng giới trẻ tham gia ủng hộ hành động vì khí hậu còn hạn chế
Priyanka Lalla chia sẻ chị lớn lên ở một khu vực tuyệt đẹp với đa dạng sinh học phát triển tốt, chị đã chứng kiến sự tàn phá và thiệt hại do bão gây ra, đặc biệt là sau khi Bão Maria tấn công Quần đảo Leeward vào năm 2017. Chị luôn ủng hộ hành động cá nhân và trao quyền cho những người trẻ tuổi.
Theo anh Joshua Prentice, các cuộc thảo luận đang diễn ra sẽ định hình tương lai của chúng ta và tiếng nói của chúng ta cần được đưa vào tất cả các cuộc đàm phán. Đây là lý do tại sao anh quyết định tham dự các hội nghị về khí hậu và đảm bảo rằng giới trẻ được đại diện, đặc biệt là từ khu vực nơi anh sinh sống.
Đánh giá không có đủ người trẻ tham gia ủng hộ hành động vì khí hậu, anh Prentice cho rằng các bậc cha mẹ cần dạy con cái của họ những cách tái chế tốt và giải thích tại sao chúng ta nên quan tâm đến môi trường. Tuy nhiên, nhờ có internet và mạng xã hội, giới trẻ đã bắt đầu tham gia hành động vì khí hậu nhiều hơn.
Đồng quan điểm, chị Zaafia Alexander khẳng định, đây là lý do tại sao giáo dục và vận động lại quan trọng đến vậy. Vì vậy, nhiều người Trinidad không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu hoặc nó ảnh hưởng trực tiếp như thế nào đến Trinidad và Tobago cũng như các quốc đảo nhỏ đang phát triển khác.
Đối với những tác động của biến đổi khí hậu, anh Prentice cho hay, nhiều nông dân trẻ không hiểu biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mùa màng và đất đai của họ như thế nào vì những vấn đề như hạn hán và lũ lụt.
Theo chị Alexander, thật trớ trêu khi chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng rất nhiều người không hiểu tại sao chúng ta lại chứng kiến thời tiết biến động, mực nước biển dâng và nhiệt độ tăng cao hay nguyên nhân chủ yếu là do con người.
Còn chị Lalla cho rằng, chính những cộng đồng ven biển bị thiệt thòi cũng phải hứng chịu lũ quét hàng năm. Nhà cửa của họ bị cuốn trôi, đồ đạc bị mất, trẻ nhỏ buộc phải nghỉ học vì trường học bị phá hủy và họ không có đủ nguồn lực để xây dựng lại. Đôi khi các em buộc phải bỏ học và phải tảo hôn hoặc tham gia lao động trẻ em.
Nỗ lực tập thể để giải quyết khủng hoảng khí hậu
Chị Lalla cho rằng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, Trinidad và Tobago cần sự hỗ trợ của các bộ, các nhà hoạch định chính sách và chính phủ. Đất nước cũng cần sự hỗ trợ của giới trẻ, các nhà giáo dục, những người nội trợ. Đó là cả một nỗ lực tập thể.
Theo chị Lalla, trách nhiệm giải trình đến từ tiếng nói của giới trẻ. “Chúng tôi tiếp tục yêu cầu các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác nhau phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ghi nhận những điều tốt đẹp đã làm được để mọi người cảm thấy được trao quyền và có cảm hứng để tiếp tục”, nhà hoạt động vì khí hậu tuổi teen nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của UN News về việc Trinidad đã được hưởng lợi từ trữ lượng dầu mỏ trong nhiều năm, liệu đảo quốc có nên ngừng khai thác nguồn nhiên liệu hóa thạch này, anh Prentice với tư cách là người ủng hộ sự phát triển bền vững và năng lượng sạch nhấn mạnh chúng ta nên ngăn chặn điều đó.
Tuy nhiên, theo anh, có rất nhiều việc cần phải làm trong nước và chúng ta không thể bỏ mặc dầu khí, vốn là nguồn tạo ra doanh thu lớn nhất cho đến nay. Đã có những giải pháp được thực hiện nhằm đa dạng hóa đất nước và thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu khí, và anh tin rằng Trinidad muốn tiến xa hơn theo hướng này.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Lalla cho rằng trong vài thập kỷ tới, chúng ta cần thực hiện quá trình chuyển đổi đó, mặc dù nó mất nhiều thời gian hơn chúng ta mong muốn, nhưng hãy làm điều đó vì lợi ích của người dân và sự đa dạng sinh học của chúng ta.