Cần đẩy nhanh thực hiện hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của năm 2022

Khương Trung | 11/05/2022 12:25

(TN&MT) - Sáng 11/5, tại Nhà Quốc hội, theo chương trình Phiên họp thứ 11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày và cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2022.

dsc_5949.jpg
Ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp thứ 11 của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022

Kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực

Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, tuy nhiên, một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.

Những thay đổi tích cực như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thấp hơn dự toán là 4%; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng đạt cao hơn mức đã báo cáo.

11.5.22-tv11-ktxh-2.jpg
Các đại biểu tham dự Phiên họp

Một số chỉ tiêu không đạt được mức dự kiến đã báo cáo Quốc hội như: có 5/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 4 chỉ tiêu) do có thêm chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu đề ra (4,8%); năng suất lao động đạt thấp do tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt 2,58%, thấp hơn mức phấn đấu đã báo cáo Quốc hội (3-3,5%).

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo Chính phủ, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá… Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, là nền tảng để triển khai hiệu quả lộ trình mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, mở cửa trường học, dịch vụ vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật… Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng/2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP Quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 46,6% dự toán. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, tính chung 4 tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 21,6%, gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của khu vực FDI. Tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc.

Cần có giải pháp quản chặt các giao dịch bất động sản

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và trong các tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm phân tích, đánh giá, làm rõ.

11.5.22-tv11-ktxh-6.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Chỉ số CPI 4 tháng tăng 2,1%, không cao hơn so với cùng kỳ các năm 2018-2020, tuy nhiên, trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao kỷ lục, cầu trong nước có xu hướng hồi phục sẽ gây sức ép lớn đến lạm phát. Cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 18,48% tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó, 17 Bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các Bộ, cơ quan này, nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm giải ngân. Đồng thời, lưu ý năm 2022, nhiệm vụ giải ngân là rất nặng nề, đề nghị báo cáo rõ khả năng hấp thụ nguồn vốn, hoàn thành kế hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm; số lượng lớn các nhà đầu tư mới không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị, cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho NSNN; hiệu quả sử dụng đất của các dự án. Đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế.

Bên cạnh đó, vấn đề tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng do dịch COVID-19; áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng… cũng được Ủy ban Kinh tế lưu ý cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng.

Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Liên quan kết quả thực hiện NSNN năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2022, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng thu NSNN năm 2021 vượt khá cao so với dự toán (tăng 16,8%), song cũng cần lưu ý đến công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2021 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2022 chưa sát thực tiễn. Một số khoản thu mặc dù tăng khá lớn nhưng chưa thật sự bền vững. Chính sách hoàn thuế từ nguồn NSTW còn bất cập. Nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu.

11.5.22-tv11-ktxh-5.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo tại phiên họp

Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn để có thêm căn cứ trong xây dựng dự toán cũng như có giải pháp khắc phục. Đề nghị Chính phủ trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương thực hiện đúng quy định trong quản lý, tăng cường chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chi NSNN, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm thực hiện đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã ban hành. Đề nghị Chính phủ cần báo cáo kỹ hơn sử dụng NSNN bố trí cho công tác phòng dịch, những chính sách chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Về chi và cân đối NSNN năm 2022, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và đề nghị lưu ý Chính phủ sớm có biện pháp, quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác triển khai, thực hiện.

Việc triển khai 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia tiếp tục không bảo đảm tiến độ, thể hiện việc chưa nghiêm túc trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn lực trong bối cảnh NSNN hạn hẹp, trong khi đối tượng thụ hưởng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, người yếu thế đang gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ kịp thời.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế: nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Do đó, đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể hơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.

Sau khi nghe trình bày các báo cáo, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về những kết quả đạt được những hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, sức khỏe người dân; về thực hiện thu chi ngân sách, bội chi nợ công của năm ngân sách 2021; kết quả thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch COVID-19, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người dân những bất cập, hạn chế bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện ngân sách năm 2021 và điều hành chính sách tài khóa ứng phó với dịch bệnh.

11.5.22-tv11-ktxh-4.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tháng đầu năm 2022 về tốc độ tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Việc thực hiện các lĩnh vực văn hóa xã hội, kiểm soát dịch COVID-19. Việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ; hỗ trợ chương trình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, việc phục hồi của các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. Việc phân bố và thực hiện dự toán thu chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.

Với tinh thần thảo luận tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào các vấn đề nêu rõ các nguyên nhân trách nhiệm và các giải pháp thiết thực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh nhiều vấn đề cần quan tâm lưu ý trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội những tháng còn lại của năm 2022, các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đẩy nhanh thực hiện hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO