Nhiều vấn đề môi trường chưa được giải quyết
Thời gian qua, mặc dù mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường có chậm lại, tuy vậy, vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn diễn biến phức tạp. Đến nay, trên phạm vi cả nước vẫn còn 44/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg chưa hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; 268/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để, trong đó có 136 cơ sở chậm tiến độ. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường là 24,5% .
Vẫn còn số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý. Ảnh: MH |
Hiện, có hơn 547.000 ha đất (chiếm hơn 10%) bị thoái hoá nặng, trên 240 điểm ô nhiễm tồn lưu hoá chất thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố. Các khu vực ô nhiễm tồn lưu chậm được xử lý, cải tạo, phục hồi dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Đến nay, vẫn còn 160 điểm, khu vực ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật chưa hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg. Việc đầu tư cho xử lý ô nhiễm hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu mới đáp ứng 21% so với kế hoạch đã đề ra.
Nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý; rác thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp chưa được quản lý tốt, gây ô nhiễm môi trường: Hiện chỉ có 6% đô thị trên cả nước có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới chỉ đạt 10% - 11%; còn lại thải trực tiếp ra môi trường. Nhiều địa phương chưa có bãi chôn lấp chất thải công nghiệp; tình trạng đổ thải, chôn lấp chất thải công nghiệp trái quy định còn xảy ra ở nhiều nơi.
Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường: Tính đến nay, cả nước mới có 212/283 khu công nghiệp hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 75%; 615 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng hơn 5% đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các KCN, CCN còn lại, hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường, dẫn đến nước thải không đạt yêu cầu QCVN.
Bên cạnh đó, các hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp diện tích, chia cắt, đa dạng sinh học giảm; nhiều loài hoang dã suy giảm quần thể, số lượng, thất thoát nhiều nguồn gen quý hiếm…
Năng lực giải quyết chưa đáp ứng yêu cầu
Áp lực lên môi trường ngày càng lớn, những tồn đọng cần giải quyết ngày càng nhiều trong khi đó lại thiếu cán bộ quản lý cả ở Trung ương và địa phương. Hiện chỉ có khoảng 29 người làm công tác quản lý nhà nước về môi trường trên 1 triệu dân, trong khi, con số này ở Trung Quốc là 40 người, Thái Lan là 42 người, Campuchia là 55 người, Malaixia là 100 người, Singapo là 350 người, Canada là 155 người, Anh là 204 người.
Không chỉ thiếu cán bộ, năng lực quản lý nhà nước về BVMT cũng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là ở cấp huyện, xã; cơ cấu ngành nghề, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Nguyễn Văn Tài cũng thừa nhận: Hiện nay, thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương còn yếu nên chưa phát huy được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống. Chưa có bộ phận quản lý đa dạng sinh học trong cơ cấu của Chi cục BVMT ở hầu hết các địa phương; Chi cục BVMT chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành trong khi đó lực lượng thành tra môi trường của thanh tra Sở TN&MT còn rất hạn chế; cán bộ phụ trách môi trường cấp xã chủ yếu có chuyên môn về quản lý đất đai, địa chính.
Ngoài ra còn phải kể đến, nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên của lãnh đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, ở không ít nơi còn cho đây là trách nhiệm của riêng ngành tài nguyên và môi trường. Ở nhiều nơi, lãnh đạo các cấp, ngành và chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa chặt chẽ và quyết liệt. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ quan chức năng và địa phương còn thiếu chặt chẽ và chưa đồng bộ.
Để nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực môi trường, hiện Tổng cục Môi trường đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Trước mắt, Tổng cục Môi trường đang xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 25/2014/QĐ-TTg ngày 25/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Môi trường, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Xây dựng dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Tổng cục, trình Bộ trưởng ban hành. Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở Trung ương và địa phương.
Mai Chi