Người trực tiếp bảo vệ rừng tiếp tay cho phá rừng.
Theo báo cáo của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Cty Quảng Sơn) sự việc để xảy ra phá rừng 5 vụ liên tiếp, thậm chí trực tiếp Chủ tịch HĐTV cty Quảng Sơn phát hiện bắt giữ đối tượng Hồ Văn Điệp, thường trú tại thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong liên quan đến việc chặt phá 4,5 ha rừng do công ty đang quản lý với mức độ thiệt hại 100% và đã giao cho cơ quan công an huyện Đắk Glong điều tra làm rõ để xử lý theo quy định. Cuối cùng vẫn không thể làm rõ được các đối tượng chủ mưu đứng sau vụ phá rừng này là ai và chuyển đối tượng Hồ Văn Điệp về cho cơ quan chức năng xử lý hành chính.
Đất rừng đang bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép trục lợi hàng tỷ đồng để trồng cà phê, hồ tiêu, xây nhà ở trái phép. |
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường ông Đinh Văn Quý - Chủ tịch HĐTV cty Quảng Sơn cho biết: “Từ khi ông về nhận nhiệm vụ lãnh đạo công ty vào cuối năm 2016 đến nay, công ty phát hiện được nhiều vụ phá rừng lấy gỗ trục lợi bất chính và lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Thế nhưng trong những vụ việc ấy nhiều cán bộ, công nhân viên trong công ty mặc dù được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng nhưng lại báo các không biết hoặc không có vụ phá rừng hay lấn chiếm đất rừng nào xảy ra. Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy các vụ phá rừng tại các Tiểu khu 1632, 1680 và nhiều nơi khác thuộc lâm phần do công ty đang quản lý đã có sự tiếp tay của một số đối tượng. Để đấu tranh làm rõ kẻ đứng sau tiếp tay, chống cho lâm tặc, Chúng tôi đã đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra làm rõ, đưa các đối tượng này ra xử lý theo quy định của pháp luật”.
Hay sự việc tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk N’tao để xảy ra nạn phá rừng tràn lan giữa ban ngày, khi sự việc được báo chí phanh phui thì các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông mới vào cuộc điều tra làm rõ và đã xử lý một số trường hợp để xảy ra vi phạm.
ông Ngô Xuân Lộc (đứng) khẳng định rừng Đắk Nông bị tàn phá, lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp tương đối phổ biến là do có sự tiếp tay, là sân sau của cán bộ, công chức. |
Riêng vụ việc tại công ty TNHH thương mại Nguyên Vũ (công ty của gia đình ông Lương Ngọc Lếp - Nguyên phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông do bà Nguyễn Thị Kim Thoa vợ Lếp làm chủ) đã ngang nhiên bán đất lâm nghiệp, bán rừng thông dọc theo quốc lộ 28 cho người dân trồng cây nông nghiệp, cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu trục lợi hàng tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi: “Nếu không phải công ty của gia đình Nguyên phó giám đốc công an tỉnh Đắk Nông thì liệu có thể ngang nhiên bán đất dự án rừng thông, đất lâm nghiệp để hưởng lợi hàng tỷ đồng như vậy được chăng?”
Chính quyền tỉnh Đắk Nông giải quyết như thế nào?
Nhiều câu hỏi được đặt ra: Ai là người tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, thế lực nào có thể ngang nhiên làm được việc này? Lực lượng kiểm lâm chuyên trách bảo vệ rừng, cơ quan công an lực lượng bảo vệ pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự ở đầu mà để lâm tặc ngang nhiên phá rừng lấy gỗ trục lợi; kẻ gian lấn chiếm đất rừng bán kiếm lợi hàng tỷ đồng; người dân ngang nhiên lấm chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy…
Những cánh rừng ở Đắk Nông bị đốn hạ |
Những câu hỏi này được chúng tôi đặt vấn đề với nhiều người dân thuộc xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Những người được hỏi đều có chung câu trả lời: “Người dân chúng tôi chỉ cần vào rừng chặt một cây, đưa xe cày vào rừng chở một xe củi, hay đem một cây cà phê, hồ tiêu vào trồng trên đất lâm nghiệp ngay lập tức chủ rừng, kiểm lâm, chính quyền xã, thậm chí cả công an sẽ ra yêu cầu dừng lại ngay, thậm chí có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Còn những người khác không hiểu sao mà họ có thể ngang vào rừng chặt hàng trăm cây rừng lấy gỗ, phá cả ha rừng làm nương rẫy, mua bán đất lâm nghiệp dễ đến vậy không biết !”
Về vấn đề này một người có trách nhiệm xin được dấu tên tiết lộ: “Ở đây phải có bảo kê của các bộ, công chức thì lâm tặc mới ngang nhiên vào rừng chặt phá được. Nếu không có bảo kê, chống lưng thì chỉ cần một động thái nhỏ xâm hại rừng, đất lâm nghiệp sẽ bị cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý ngay, chứ đừng nói là chặt hàng chục m3 gỗ vận chuyển ra khỏi rừng trót lọt, hay vào rừng chặt phá vài ha rồi trồng cây trên đó, thậm chí là bán đất laam nghiệp kiếm lợi hàng tỷ đồng.
Ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông trả lời trước báo chí khẳng định rõ: Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã biết: “Nạn lâm tặc phá rừng lấy gỗ để trục lợi; lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép thu lợi bất chính đang diễn ra tương đối phổ biến là có sự tham gia, là sân sau của cán bộ công chức. Tuy nhiên, cụ thể là ai thì chưa biết chính xác nhưng không phải là số lượng nhỏ. Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đang chỉ đạo xử lý từ vụ, từng bộ phận theo nguyên tắc không có vùng cấm. Cán bộ dù là ai nếu trực tiếp, hoặc dán tiếp liên quan đến nạn phá rừng phải bị xử lý. Tỉnh cũng đã xử lý vài chục cán bộ liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng để xảy ra xâm hại rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp. Tỉnh Đắk Nông sẽ công bố danh tính những trường hợp bị xử lý kỷ luật và cả những trường hợp đang điều tra làm rõ nếu thấy cần thiết”.
Hy vọng những điều ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Đắk Nông trả lời tại buổi họp sẽ trở thành hiện thực để những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bảo kê, chống lưng, trực tiếp hoặc dán tiếp tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, hoặc các nhóm người lấn chiếm đất rừng, sang nhượng đất rừng thu lợi bất chính sẽ sớm được đưa ra ánh sáng để loại bỏ những kẻ cơ hội, lợi ích nhóm để làm trong sạch bộ máy chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông. Nếu làm được điều này, những cánh rừng sẽ không bị chảy máu, giữ vững màu xanh cho đồi núi nhằm chống lại suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay./.
Đình Thắng