Cẩm Khê – Phú Thọ: Ai kiểm soát dấu hiệu lợi dụng “hạ cốt nền” để khai thác đất?

Nhật Quang - Đà Giang | 13/11/2022 09:57

Thực tế tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, nhiều quả đồi đã có mác “hạ cốt nền” để cho doanh nghiệp khai thác đất phục vụ thi công dự án đường giao thông.

img_dat-dang-cho-ve-nha-mat-gach(1).jpg

Đất khai thác từ khu vực khai thác của Công ty Tự Lập chở về nhà máy gạch Minh Sơn.

Tuyến đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL.70B, QL.32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái do Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng. Do thi công trên nhiều địa hình khác nhau, nên phải cần một lượng đất đắp khá lớn. “Chủ lực” của một số gói thầu thi công tuyến đường này là Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập.

Đường mở đến đâu, dự án “hạ cốt nền” mọc lên đến đó?

Tiếp tục tìm hiểu về tình trạng “núp bóng cải tạo để khai thác đất”, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường phát hiện nhiều địa phương có dấu hiệu “bất thường”. Cụ thể, trong những ngày thực tế tìm hiểu về việc khai thác đất và nguồn đất phục vụ thi công Tuyến đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL.70B, QL.32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái, phóng viên ghi nhận tình trạng: Dự án trọng điểm, nhưng đường cứ chạy đến đâu, là “mỏ đất trá hình” ra đời đến đó. Thực tế tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, nhiều quả đồi đã có mác “hạ cốt nền” để cho doanh nghiệp khai thác đất đất để phục vụ thi công dự án giao thông.

img_dat-duoc-cho-vrrf-du-an-duong-cty-tu-lap-dang-thi-cong.jpg

Đất chở về dự án đường giao thông do Công ty Tự Lập đang thi công.

Trong vai một người đi tìm đất, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Trần Văn Lộc, nhà có đồi đất ở khu Ro Lục 02, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê. Ông Lộc, một người nông dân chất phát cho biết: Từ lúc có tuyến đường mở ra, biết nhà ông Lộc có đồi lớn, có một người tên Hùng đến gặp ông Lộc, họ đặt vấn đề xin gia đình cho xúc đất đi. Sau khi xúc hạ quả đồi xong, sẽ hoàn trả lại mặt bằng cho gia đình trồng trọt. Ông Lộc khẳng định, mình chỉ cho ông Hùng đất “miễn phí”, không lấy tiền. “Tôi chỉ phô tô bìa đỏ, còn mọi thủ tục ông Hùng đi làm hết” – ông Lộc cho biết.

Sau thỏa thuận miệng đó, phía Công ty TNHH Vận tải Nam Hùng Phú Thọ “thoải mái” khai thác đất chở đi phục vụ cho dự án thi công tuyến đường vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL.70B, QL.32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái. Sau đó cơ quan chức năng có tạm chỉ khai thác đất một thời gian, nhưng về sau lại đâu vào đấy. Xe máy lại ồ ạt xúc đất chở đi…

Cơ quan nào kiểm tra, giám sát khối lượng đất khai thác?

Trao đổi với phóng viên, một người tên H., chuyên khai thác đất cấp cho dự án đường của Công ty Tự Lập cho biết: Tuyến đường thì dài nên tiện đâu cự li gần là công ty họ lấy đất ở đó đắp cốt nền thôi. Cứ xin hạ cốt nền, để lấy đất, ông H. chia sẻ kinh nghiệm. Giấy phép thì huyện cấp được khối lượng rất ít và thời gian ngắn, nên cứ hết hạn là các công ty lại xin gia hạn tiếp...

img_khu-vuc-dat-dep-dat-phong-hoa-cty-tu-lap-cho-ve-nha-may-gach.jpg

Khu vực khai thác đất "đẹp" của Công ty Tự Lập chở về nhà máy gạch Minh Sơn.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ xã Hương Lung (xin được giấu tên) thừa nhận: Đúng là trên địa bàn xã, có được cấp trên cấp nhiều điểm khai thác đất phục vụ thi công dụ án đường. Có một số mỏ chấp thuận rồi nhưng đất không đạt tiêu chuẩn lên họ không lấy. Bởi vậy mới có tình trạng đào xới khắp nơi. Bởi vậy mới có tình trạng, nông dân chỉ ký sẵn vào các hồ sơ xin khai thác đất do doanh nghiệp làm sẵn…

Có trong tay một số danh sách điểm khai thác, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã tận mắt chứng kiến một số điểm khai thác đất của Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập (trụ sở: số 3010, đường Hùng Vương, phường Vân Phú, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Tại điểm khai thác đất ở khu Ro Lục 02, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, đất khai thác được múc lên xe tải chở đi. Điều lạ, một phần đất thì được chở về dự án đường giao thông mà đơn vị này đang thi công. Nhưng phần đất đẹp “loại đất hóa”, thì lại được xe của Công ty Tự Lập chở về nhà máy gạch Minh Sơn ở Cẩm Khê để đổ?.

img_phan-dat-dep-dat-phong-hoa-cong-ty-chy-cho-ve-nha-may-gach-minh-son.jpg
Đất "đẹp" được Công ty Tự Lập chở về nhà máy gạch Minh Sơn.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Ngày 29/9/2022, UBND huyện Cẩm Khê ban hành văn bản số 1996/UBND – TNMT về việc chấp thuận, đồng ý cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn và hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tới được thực hiện san gạt, cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền, vận chuyển đất dư thừa trong phạm vi diện tích đất ở, đất trồng cây lâu năm tại khu Xi Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê. Diện tích; 3.685,6 m2, loại đất ở tại nông thôn (ONT), đất trồng cây lâu năm (CLN). Diện tích san gạt, cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền: 1.642,0m2. Mức sâu: Từ 4,0 m đến 7,0 m so với cao trình mặt đất hiện trạng. Khối lượng đất dư thừa sau khi cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền cần phải vận chuyển khoảng 9,031, 0 m3. Vị trí đổ đất: Vào công trình đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với QL.70B, QL 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái, địa bàn xã Đồng Lương.

Đối chiếu giữa giấy tờ cho phép và thực tế thì việc Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập và hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sơn và hộ nhà bà Nguyễn Thị Tới có nhiều điểm bất thường. Đó là theo như trong giấy phép thì Công ty Tự Lập chỉ được khai thác đất để phục vụ thi công dự án đường giao thông, vậy tại sao vẫn có xe chở đất về nhà máy gạch?.

Đã đến lúc cơ quan chức năng Trung ương và địa phương cần sớm vào cuộc làm kiểm tra rõ tình trạng “khai thác đất” phục vụ thi công dự án đường giao thông ở đây có đúng các quy định của Luật Khoáng sản hay không?. Đối với khối lượng đất khai thác vượt giấy phép nếu có thì cơ quan nào sẽ giám sát những doanh nghiệp này, tránh tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia?...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩm Khê – Phú Thọ: Ai kiểm soát dấu hiệu lợi dụng “hạ cốt nền” để khai thác đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO