Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An.
PV: Thưa ông, Khoản 1 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật về khoáng sản; thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Vậy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường được thực hiện như thế nào và kết quả ra sao?
Ông Hoàng Quốc Việt: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các dự án khai thác khoáng sản phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Số tiền ký quỹ phải được tính toán bảo đảm đủ kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường căn cứ vào các nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tổng số tiền ký quỹ bằng tổng kinh phí của các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường.
Số tiền ký quỹ tùy thuộc vào từng khu vực khai thác khoáng sản được cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt. Theo quy định, việc thẩm định và áp dụng mức thu tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường thường đi kèm với đánh giá tác động môi trường của dự án đó.
Thời gian qua, việc triển khai thu tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường được Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An thực hiện rất tốt, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, các đơn vị khai thác khoáng sản đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường tổng cộng 239 tỷ đồng.
PV: Vậy, thực trạng công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ở tỉnh Nghệ An hiện giờ ra sao, thưa ông?
Ông Hoàng Quốc Việt: Thực hiện Thông báo số 540-TB/TU ngày 13/01/2017 của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh rà soát các đơn vị hết hạn giấy phép khai thác khoáng sản để đề nghị thực hiện việc đóng cửa mỏ, đến nay, đã rà soát và đóng cửa mỏ 247 khu vực mỏ để bàn giao cho chính quyền địa phương sử dụng đất và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Mặt khác, năm 2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 99/UBND-NN ngày 17/4/2019, Sở TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra tất cả các khu vực đã được UBND tỉnh đóng cửa mỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp để kịp thời xử lý các điểm mỏ và cửa lò có nguy cơ cao gây mất an toàn, ngăn chặn người dân mót vét quặng; kết quả, đã tiến hành xử lý triệt để tất cả các mỏ hầm lò tại khu vực suối Bắc, xã Châu Hồng và Châu Thành, đưa về trạng thái an toàn và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý đất đai, tài nguyên theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra các khu vực mỏ đã thực hiện đóng cửa mỏ để có biện pháp xử lý theo quy định; Kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với chính quyền địa phương khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trên khu vực đã thực hiện đóng cửa mỏ.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 273 mỏ khoáng sản các loại đang còn giấy phép hoạt động (cả UBND tỉnh cấp phép và Bộ TN&MT cấp phép). Tỉnh Nghệ An đã rà soát và đóng cửa mỏ 247 khu vực mỏ để bàn giao cho chính quyền địa phương sử dụng đất và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
PV: Xin ông cho biết về các giải pháp của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới để tiếp tục đưa các doanh nghiệp vào "khuôn khổ", nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản?
Ông Hoàng Quốc Việt: Nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhằm cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường. Với tầm quan trọng như vậy, thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị hoạt động khoáng sản thực hiện nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đúng, đủ và kịp thời.
Tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản theo hướng tăng mức ký quỹ để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác theo quy định nhưng vẫn đảm bảo hài hòa khả năng của các doanh nghiệp.
Hằng năm, Sở sẽ kiểm tra việc chấp hành ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Thanh tra Sở sẽ phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường tổ chức mời làm việc đối với các tổ chức nhằm đôn đốc hoàn thành việc chấp hành nghĩa vụ với Nhà nước trong khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, thực hiện Quy định tại Điều 42 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở sẽ tham mưu xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức chậm nộp, không nộp tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Riêng đối với những đơn vị cố tình chây ì, không nộp tiền ký quỹ, quá thời hiệu theo quy định, sẽ tiến hành đề xuất thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản. Trên thực tế, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 14 giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi do lỗi vi phạm nêu trên.
Ngoài ra, Sở TN&MT luôn tiến hành rà soát các đơn vị hết giấy phép khai thác để đôn đốc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và thực hiện hoàn thiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác. Bên cạnh đó, tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị, tổ chức làm không đúng, không đầy đủ, có dấu hiệu làm ẩu, làm dối trong quá trình thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường thì sẽ yêu cầu thực hiện lại. Trường hợp cần thiết sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hoặc có thể ra “tối hậu thư" để chuyển kinh phí sang thuê đơn vị khác thực hiện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!