Xã hội

Cách mạng mãi mãi là tuổi trẻ

Nhà thơ Anh Ngọc 02/09/2024 08:45

(TN&MT) - Mỗi cuộc đời như một giọt nước, còn cách mạng thì như một dòng sông, giọt nước đã đành là hữu hạn, nhưng dòng sông là tuyệt đích, bởi bản chất của dòng sông là không bao giờ ngừng chảy. Với phẩm chất như thế, cách mạng cũng như cuộc sống, mãi mãi trẻ trung và bất diệt.

Với mỗi con người, tuổi bảy mươi là cột mốc bước sang tuổi già, tuổi “xưa nay hiếm”, còn với một cuộc cách mạng, tuổi bảy mươi, tám mươi là già hay trẻ? Câu trả lời không khó, bởi vì con người trẻ hay già là khi đem so với thời hạn làm người của chúng ta trên cõi thế, dẫu bạc đầu bất quá chỉ trăm năm, còn cách mạng là câu chuyện của cả một dân tộc, một đất nước, với lịch sử mấy ngàn năm; không chỉ thế, những cuộc cách mạng vĩ đại còn là sự nghiệp của toàn nhân loại mà tuổi tác phải tính bằng nhiều thiên niên kỷ. Nghĩ như vậy, chợt thấy nếu chúng ta biết cách đem hòa tuổi tác của mình vào với tuổi đời của cách mạng, chúng ta sẽ trẻ lại với thời gian.

Bởi vì, những cuộc cách mạng đích thực mãi mãi là trẻ trung.

14a(1).jpg
Treo cờ Tổ quốc mừng ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh: Đặng Ngọc Lâm

Sức trẻ đó trước hết bắt nguồn từ một sự thay đổi thuộc về bản chất, sự ra đời của một thiết chế tồn tại mới, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhìn lại mấy ngàn năm, chế độ phong kiến cộng với thực dân áp bức biến xã hội như một cái ao tù. Và thứ đạo lý dù nấp sau những mỹ từ gì đi nữa thì thực chất cũng chỉ coi dân chúng là một dãy vô tận những con số không.

Phải đến một ngày cả dân tộc đứng trước ngã ba đường, ở đấy có một ngả dẫn về trùng điệp những nấm mồ còn chưa xanh cỏ của hai triệu người vừa chết đói, cái phía của oan hờntủi nhục, của những thằng xe, đứa ở, con sen, nơi cha ông tôi úp mặt xuống rãnh cày, độc thoại triền miên trong nước mắt... và ngả còn lại là cả một chân trời huyền diệu chứa đầy bí ẩn và hứa hẹn những chông gai, nhưng đấy chính là miền đất hứa của TỰ DO, ÁO CƠMNHÂN PHẨM.

Không nghi ngờ gì nữa, khi ta hình dung buổi chiều ấy ở Ba Đình, trời thu cao xanh lồng lộng, gió thu mơn man đùa giỡn trên những lá cờ đỏ sao vàng như những mặt trời nho nhỏ vừa mọc lên trước mắt những con người vừa đi qua đêm đen dày đặc của trận đói kinh hoàng. Lịch sử chưa có một thời khắc nào như vậy, nói như Chế Lan Viên, ngay cả khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc, Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng. Sau đằng đẵng một ngàn năm nô lệ bởi giặc phương Bắc, một trăm năm đô hộ bởi giặc Tây..., đi qua đất chết rồi mới sống, tất cả con dân xứ Việt một sớm bỗng thấy như mình vừa thoát ra khỏi đường hầm dài, ngỡ như vừa được tái sinh trên mặt đất, tất cả đều lạ lẫm, tất cả đều thân quen, mở mắt nhìn độc lập và tự do tuôn tràn như khí trời, như ánh sáng - tiếng chim hót và mùi thơm của nắng, cái hương vị ngọt ngào không thể lẫn, của tự do sau hết mọi xiềng gông... Đấy là cái thời khắc ngàn năm có một. Những con người lẻ loi và xa lạ ngày nào bỗng nhìn vào mắt nhau dịu dàng và tin cậy. Cả dân tộc như vừa phát hiện lại ra nhau.

Cất tiếng chào đời trong ánh bình minh của thời đại mới, mang trong mình lời tuyên ngôn của Độc Lập, Tự Do và Hạnh Phúc như bản thông điệp gửi tới mai sau, những đứa con của thế hệ đã bắt đầu một cuộc sống khác, với một chất lượng khác, một cường độ khác. Những bàn chân ngàn đời quen quanh quẩn sau lũy tre xanh, bị giam hãm giữa vòng vây cơm áo, bỗng như có tiếng gọi thiết tha từ phương trời nào vọng tới, vội cất bước lên đường dấn thân vào cuộc trường chinh suốt ba mươi năm không ngừng nghỉ. Tôi không biết trong lịch sử dân tộc có bao giờ con người Việt Nam lại đi nhiều đến thế, xê dịch nhiều đến thế, những chuyến lên đường nối tiếp, những cuộc hành quân bất tận, lên ngược về xuôi, vào Nam ra Bắc, từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ Trường Sơn ra tới Trường Sa, dấu chân của cả một thế hệ in dầy trên mặt đất nếu đem cộng lại khéo đã vươn tới những vì sao.

Họ đã đi từ Phai Khắt, Nà Ngần

Qua Lô, Thao xác thù vùi dưới sóng

Đồn giặc cháy đỏ trời Cao - Bắc - Lạng

Những chiến khu Việt Bắc, Bưng Biền

Những ngọn cờ băng qua ngàn lửa khói

Kịp sáng bừng trên thung lũng Điện Biên.

Lẽ trời, vật chất vận động sinh ra thời gian, bước đi của đôi chân, nhịp đập của trái tim và sức nghĩ lao lung của khối óc đã làm nên những ngày dài bằng cả trăm năm, biến những cuộc đời mong manh thành vô tận. Những năm tháng ấy, dung lượng của mỗi cuộc đời ngỡ như được nhân lên gấp bội, không vội vã cuống quýt, không lo âu sống gấp, chính những gian khổ hy sinh vô hạn vô hồi vì lý tưởng cao đẹp đã giữ mãi hồn ta trong quỹ đạo của trẻ trung, khiến mỗi cuộc đời như có thêm trong mình nhiều cuộc đời khác nữa.

Nhưng trẻ trung không chỉ ở tuổi tác và thời gian, sức trẻ bền lâu nhất thuộc về cách nghĩ và cách cảm, thuộc về sức rung động của trái tim. Trời đất vẫn như xưa, cõi trần không thay đổi, sao trong mắt ta tất cả dường như đã khác. Vui khác xưa, buồn khác xưa và yêu ghét cũng khác xưa. Cuộc sống như vầng trăng vành vạnh giữa trời, khi xưa ta nhìn lên thấy cây đa thằng Cuội thân gần, thấy tròn đầy sáng láng mà yêu, nay ta còn thấy thêm cả phía chìm khuất khổ đau, ta càng thấy yêu thương gấp bội, có phải từ nay trong ta có thêm vị mặn mòi của lòng thương cảm, thứ lạt mềm buộc chặt hồn ta. Tình yêu đấy - thứ tiên dược có sức làm trẻ lại mọi trái tim, bằng cách không cho phép chúng được một phút một giây hững hờ vô cảm.

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cầu bất cầu bơ

Trong buổi ban đầu tự tình cùng cách mạng, tôi tin đó là lời thốt tự đáy lòng của một trái tim trẻ trung tràn ngập yêu thương, cũng thành thực như khi tôi nói tôi khao khát được là người tình của mọi người tình, tôi ao ước có thêm nhiều cuộc đời để đem chia cho hết thảy mọi người tôi yêu mến. Cuộc hóa thân vào muôn ức vạn cuộc đời ấy là tín hiệu bắt đầu của một bầu sinh quyển mới trong quan hệ giữa con người với con người chưa từng có trong tiền lệ. Vẫn là Chế Lan Viên, người có tư cách và năng lực để khái quát những bước đường đi tới của cái tôi trong hành trình chung của cách mạng, từ buồn riêng đến với vui chung, từ vui chung lại đến với vui riêng...

14b.jpg
Những ca khúc cách mạng hào hùng vang lên trong các chương trình nghệ thuật chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Chàng nông dân áo vải chân đất ngày nào nhập ngũ, đi qua cuộc trường chinh thoắt đã thành vị tướng tài ba trên thông thiên văn dưới tường địa lý, hoặc cũng có thể thành thi sĩ tài danh không có sách chúng tôi làm ra sách, chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Còn cậu học trò thư sinh mảnh khảnh trói gà không chặt bỗng một ngày đứng vụt lên thành chân sắt vai đồng vai ngàn cân chân vạn dặm, có lúc nào đó chợt xòe bàn tay ngắm vết chai dày lại ngỡ mình vừa sinh ra lần nữa.

Còn câu chuyện này là của riêng tôi: Lần ấy, giữa chặng hành quân trên chót đỉnh Trường Sơn, chúng tôi qua một bản làng heo hút của bộ tộc người Rục, người Chứt, hay là người Giẻ Triêng gì gì chẳng biết, chỉ nhớ trong câu chuyện thuở thiếu thời bà tôi vẫn gọi họ là “Người Rừng”, người “Lá Vàng” với cuộc sống hoang dã huyền bí..., ấy thế mà, bất chợt một cô gái “người rừng” trong số họ bỗng ngước mắt nhìn tôi trong một giây, và tôi bỗng bàng hoàng, một thứ linh cảm kỳ lạ nói với tôi rằng, nếu cuộc hành quân ngay lúc này dừng lại nơi đây, nếu tôi và cái cô gái áo quần vá chằng vá đụp nhưng có đôi mắt và cái nhìn như trời đêm không thấy đáy kia được ở bên nhau dù một phút, thì rất có thể tất cả phần còn lại của cuộc đời tôi đã hoàn toàn thay đổi. Không còn khoảng cách về không gian và thời gian, cả những khoảng cách mênh mông và nghiệt ngã của ngàn vạn thứ tập tục và thói đời phàm tục đều không còn nữa, bởi một ánh mắt như thế đủ sức “chôn” cả một cuộc đời vào trong đó.

Tôi đã không thể cưỡng lại lòng mình để kể ra một câu chuyện dường như nhảm nhí giữa những trang viết trang nghiêm như thế này mà thực lòng cũng không hiểu vì sao. Nhưng tôi vẫn tin rằng cuộc cách mạng lớn lao nhất trên cõi đời này là cuộc cách mạng diễn ra trong lòng người. Ấy là sự đạp đổ những định kiến và thành kiến ngàn đời đã hóa rong rêu, sự xóa hết những biên giới vô hình, những cách ngăn vô nghĩa, để vươn tới những không gian chưa biết, để chiếm lĩnh những thời gian chưa qua, để cuối cùng con người trở lại đúng với bản thể của chính mình, đầu ngẩng cao không thẹn với Trời Xanh.

Trở lại với câu chuyện con số bảy, tám mươi của đời mình khi đem so với tuổi đời của cách mạng, tôi vẫn hằng nghĩ mỗi cuộc đời như một giọt nước, còn cách mạng thì như một dòng sông, giọt nước đã đành là hữu hạn, nhưng dòng sông là tuyệt đích, bởi bản chất của dòng sông là không bao giờ ngừng chảy.

Với phẩm chất như thế, cách mạng cũng như cuộc sống, mãi mãi trẻ trung và bất diệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách mạng mãi mãi là tuổi trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO