Phụ nữ liên quan nhiều đến xả thải, phân loại, thu gom, xử lý rác
Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, từ cuối năm 2017, Trung tâm đã thực hiện dự án Đại dương không nhựa tại hai quận Sơn Trà và Thanh Khê (TP. Đà Nẵng). Một số mô hình đã được áp dụng thành công với sự tham gia tích cực của phụ nữ.
Dự án này nổi bật lên 3 mô hình: Phân loại rác; Nhà xanh ngõ xanh và Túi nilon.
Mô hình phân loại rác đã thu hút hơn 20.000 người tham gia tập huấn và thực hành phân loại rác. Kết quả sau hơn 1 năm, hai quận đã thu được 911 kg rác thải nhựa và số tiền thu được từ các hoạt động tái chế, bán rác của các khu dân cư thực hiện mô hình đạt gần 13 triệu đồng.
Mô hình nhà xanh ngõ xanh giúp cho người dân biết thu gom, phân loại rác hữu cơ (đặc biệt là rác nhà bếp) để xử lý thành phân compost bón cây trồng.
Còn mô hình túi nilon hướng dẫn người dân thu gom phân loại rác nilon để bán gây quỹ hoặc tái chế.
“Từ mô hình này chúng tôi nhận thấy, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ chuỗi giá trị rác 4 khâu: từ xả thải, phân loại đến thu gom và xử lý tại hộ gia đình, nơi làm việc và cộng đồng”, bà Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh.
Về xả thải, phụ nữ là người chủ yếu tiếp xúc với nguồn rác trong gia đình và đảm nhận 90% việc phân loại rác tại ngôi nhà của họ. Ngoài ra, lực lượng thu gom, mua bán, phân loại ve chai cũng chủ yếu là phụ nữ. Dự án còn nhận thấy một nhóm các nhà nghiên cứu khoa học nữ, các tổ chức phi chính phủ hợp tác nghiên cứu nhằm thúc đẩy hỗ trợ vai trò tiên phong của phụ nữ trong chuỗi giá trị rác.
Các đề xuất
Thông qua dự án này, bà Nguyễn Ngọc Lý cho rằng, nếu thúc đẩy vai trò của phụ nữ thì việc chống rác thải nhựa chắc chắn có kết quả khả quan.
Theo bà Lý, Việt Nam cần xây dựng chính sách và khung pháp lý về quản lý chất thải nhựa bao gồm cơ chế tài chính thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào quản lý chất thải nhựa, từ phân loại, thu gom, tái chế, đến sản xuất.
Để xử lý rác nhựa, điều tiên quyết là phải phân loại rác tại nguồn. Theo bà Lý, cần sử dụng mạng lưới của Hội liên hiệp phụ nữ, khuyến khích phụ nữ tham gia quản lý chất thải nhựa, đặc biệt là ở giai đoạn phân loại và thu gom.
Phụ nữ tham gia thu gom, xử lý rác (một cách thủ công) hiện nay chủ yếu là lớp phụ nữ nghèo và sống di cư. Bởi thế cần có chính sách hỗ trợ các mô hình và hình thức dịch vụ thu gom thích hợp, kết nối các hộ gia đình, với các bên mua và tái chế phế liệu để giúp tạo thu nhập cho phụ nữ nghèo, đồng thời cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường.
Rộng hơn, cần có các công cụ kinh tế và tài chính để khuyến khích phụ nữ tham gia vào toàn bộ chuỗi quản lý chất thải nhựa, bao gồm cả lập quỹ quay vòng để hỗ trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp thu gom và tái chế do phụ nữ lãnh đạo, thúc đẩy trách nhiệm mở rộng doanh nghiêp để hỗ trợ doanh nhân nữ, phụ nữ trẻ khởi nghiệp. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp nữ, tìm giải pháp tái chế chất thải nhựa, sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và tiếp cận các nguồn vốn.
Còn PGS. TS. Đặng Thị Cẩm Hà, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam, trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, các nhà quản lý cần có giải pháp từng bước thay thế các nguyên liệu nhựa với khả năng phân hủy sinh học kém bằng nhựa phân hủy sinh học hoàn toàn hoặc khoáng hóa hoàn toàn. Việc phân loại rác cần làm một cách kỹ lượng hơn, để phân loại được cả các loại rác nhựa phân hủy sinh học để có thể tái chế thành phân bón compost.
“Trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, cần tính đến việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây để quản lý rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển”, PGS. TS Cẩm Hà nhấn mạnh.