Buôn Ma Thuột mời gọi!

01/01/2019 18:18

(TN&MT) - Mỗi độ xuân về khi du khách có dịp ghé thăm Buôn Ma Thuột hẳn sẽ được hoà mình vào những cánh rừng đại ngàn, những con thác đổ ầm ầm trắng xóa, còn nhớ tới hương cà phê, hồ tiêu, rừng cao su…. Ấn tượng đẹp về một vùng đất đỏ Tây Nguyên có “cái nắng, có cái gió, có nổi nhớ…” với tiếng ngân vang của cồng chiêng. Đặc biệt trong tháng 3/2019, du khách thập phương đến với Buôn Ma Thuột còn được tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 với nhiều hội đặc sắc gắn với “Hành trình du lịch”.

MA1
Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột, đặt tại trung tâm ngã 6 Buôn Ma Thuột đánh dấu trận mở màn của đại thắng mùa xuân năm 1975

Đắk Lắk là một cao nguyên rộng lớn bậc nhất nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có tổng diện tích đất đỏ khoảng 700.000ha, chiếm 40% diệng tích đất cùng loại của cả nước, phần lớn có tầng dày trên 70cm, độ cao trung bình 500m so với mặt nước biển, tương đối bằng phẳng, khí hậu ở đây mát mẻ, ôn hòa hơn so với nhiều tỉnh, thành khác.

Thành phố Buôn Ma Thuột, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá của Đắk Lắk còn là địa danh lịch sử với trận mở màn cho thắng lợi của đại thắng mùa xuân năm 1975 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột đặt tại trung tâm ngã 6 thành phố đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu trsanh giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển của đất nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng

Đi Buôn Ma Thuột ai có cơ hội được khám phá, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của Tây Nguyên như: Thăm khu du lịch Bản Đôn để thưởng thức thú cỡi voi, đi cầu treo lắc lẽo, ghé hồ Lắk để đi thuyền độc mộc, cùng những thác gềnh Dray Nu, Dray Sáp… và thưởng thức những ly cà phê với một “gu” riêng mà hương vị của nó không nơi nào có được đã và đi lời thơ tiếng hát “Ly café như muốn nói, nói cùng em bao điều…, Ly café như muốn hát, hát cùng em câu gì… Hương bay theo làn khói, vẽ mùa xuân long lanh… Hương bay như làn tóc, vẽ tình yêu mong manh”…

MA2
Quảng trường Buôn Ma Thuột, nơi diễn ra phần lễ chính của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019

Câu chuyện Đắk Lắk trở thành thủ phủ cà phê của vùng đất Tây Nguyên rất dài, nhưng theo lời kể lại của một số người dân địa phương thì thời đại của cây cà phê tại nơi đây chính thức bắt đầu từ khi thực dân Pháp chiếm đóng. Người Pháp đi đến đâu đồn điền mọc lên đến đó. Những khu đất mầu mỡ thuận tiện cho việc sản xuất của người dân bản địa bị tước đoạt dành cho những đồn điền cà phê lớn lần lượt xuất hiện. Đầu tiên là đồn điền cà phê Ca Đa và đồn điền C.H.P.I chiếm trên 30.000ha đất bằng phẳng, chạy dài hàng chục km ven ba Quốc lộ 14, 26 và 27.

Sau Thế chiến I, Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 ở Đông Dương trên một quy mô lớn, đổ xô vào Đắk Lắk để lập thêm đồn điền, riêng năm 1926 đã có thêm 26 lá đơn xin lập đồn điền cà phê với diện tích khai thác là 200 ngàn ha. Có lẽ chính họ cũng không mường tượng được rằng, 100 năm sau, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, và loại cà phê đắt đỏ nhất, hiếm có nhất trên toàn cầu đã xuất hiện tại thủ phủ này.

Ngày nay, Buôn Ma Thuột là thành phố trẻ với nhiều dự án phát triển mỗi ngày, những tòa nhà mới, những công trình kiến trúc, phúc lợi xã hội đang mọc lên. Từ những thôn, buôn xa xôi, đến những nông trường cà phê, cao su bạt ngàn và những khu dân cư, khu đô thị mới dường như đang “lột xác” từng ngày.

Để ngành sản xuất, chế biến cà phê thực sự có giá trị, có sự đóng góp chủ lực cho sự phát triển của Đắk Lắk, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, MTTQVN tỉnh Đắk Lắk đã quyết định tổ chức 6 kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột từ năm 2005. Đến năm 2010, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Lễ hội quốc gia được tổ chức 2 năm một lần.

MA3
Diễn xướng cồng chiêng tại hội đường phố, trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017

Đến với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, được tổ chức từ ngày từ ngày 09/3 đến 16/3/2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” quý vị sẽ được chiêm ngưỡng thành phố cao nguyên chìm ngập trong sắc màu cà phê và bản sắc văn hoá dân tộc độc đáo của Tây Nguyên, được thưởng thức hương vị đậm đà của cà phê Buôn Ma Thuột cùng lắng nghe âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng giữa núi rừng.

Địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Êđê Kpă. Vùng đất này vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn với khoảng 50 nhà dài. Mỗi nhà có từ 30 - 40 người do Tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, Buôn Mê Thuột đã qui tụ phát triển thêm hàng chục buôn khác.

Tên gọi Buôn Ma Thuột nghĩa là làng của Ama Y Thuột - làng của cha Y Thuột. Buôn Ma Thuột sinh nhật vào ngày 22 tháng 11 hàng năm và tròn một trăm mười lăm tuổi vào năm 2019. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 cũng như một cột mốc chói lọi đánh dấu sự hành thành và phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã 115 năm tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn Ma Thuột mời gọi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO