Buôn bán ngà voi bất hợp pháp chuyển dịch từ Trung Quốc sang Campuchia. Ảnh minh họa |
Báo cáo mang tên “The Growing Relevance of Cambodia in the Global Ivory Trade” (Tạm dịch: Sự liên quan ngày càng tăng của Campuchia trong thương mại ngà voi toàn cầu) nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác thực thi pháp luật quốc tế nhằm giải quyết và ngăn chặn hiệu quả nạn buôn lậu ngà voi vốn tồn tại dai dẳng ở tiểu vùng sông Mê Kông.
Tháng 5/2019, WJC khởi động Chiến dịch Jeopardy nhằm điều tra thị trường ngà voi bất hợp pháp tại Campuchia. Các thành viên WJC bắt mối với các đầu nậu tại Campuchia và được chào hàng những chiếc ngà thô với giá 1.600 USD/kg. Trong quá trình điều tra, WJC thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy Campuchia đang trở thành một trung tâm chạm khắc và sản xuất các mặt hàng ngà voi nhắm vào khách hàng Trung Quốc chứ không chỉ dừng ở một thị trường bán lẻ thông thường. Bên cạnh đó, WJC cũng ghi nhận ảnh hưởng tích cực của lệnh cấm buôn bán ngà voi nội địa của Trung Quốc cùng nỗ lực thực thi pháp luật của các quốc gia trong khu vực khiến nhu cầu và giá ngà voi thô tại đây có chiều hướng giảm. Sự giảm sút này hối thúc các tập đoàn tội phạm chuyển sang buôn lậu các mặt hàng ngà voi chế tác thay vì ngà thô để dễ bề vận chuyển.
Sarah Stoner, Giám đốc thông tin WJC cho biết: “Hành động tăng cường thực thi pháp luật của Trung Quốc và các nước láng giềng như Việt Nam và Lào khiến giá bán ngà voi giảm trông thấy. Chắc chắn các nhóm tội phạm chuyển sang hoạt động ngầm nhiều hơn tại các quốc gia có năng lực thực thi pháp luật kém hơn trong việc giải quyết tội phạm động vật hoang dã, chẳng hạn như Campuchia”.
Đáng chú ý là đặc vụ của WJC thu được bằng chứng về việc sản xuất và bán ngà voi bất hợp pháp tại Campuchia ngay khi bắt đầu Chiến dịch Jeopardy. Nhóm xác định được một số cơ sở bán lẻ ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã khá quy mô ở Phnom Penh và Sihanoukville – cả hai cơ sở này đều do giới buôn lậu người Trung Quốc điều hành và nhắm đến nhóm khách hàng Trung Quốc. Đặc biệt, một nhà máy núp dưới vỏ bọc là doanh nghiệp sản xuất gỗ bị phát hiện sản xuất hàng loạt đồ trang sức ngà voi bằng máy móc tinh vi. Những kẻ buôn lậu tại đây cũng bán nhiều sản phẩm động vật hoang dã khác, bao gồm cả các bộ phận của hổ.
Chuyến thực địa vào tháng 3/2020 của Nhóm đặc vụ xác nhận nhà máy vẫn hoạt động hết công suất mặc dù số lượng khách du lịch Trung Quốc giảm hơn do lệnh hạn chế đi lại vì dịch Covid-19.
WJC đã chuyển báo cáo cho NGO địa phương Wildlife Alliance để tổ chức này thông báo cho Đội cứu hộ động vật hoang dã tiến hành vây ráp các cơ sở sản xuất, buôn bán trái phép. Kết quả là có 7 đối tượng bị bắt gồm 5 công dân Trung Quốc và 2 công dân Campuchia, đồng thời nhiều sản phẩm động vật hoang dã, bao gồm ngà voi, xương hổ, vảy tê tê và cá ngựa khô bị thu giữ. Một công dân Trung Quốc sau khi điều tra thêm đã bị buộc tội liên quan đến động vật hoang dã.
“Hiện tại, việc cần kíp nhất là tăng cường hợp tác quốc tế để thiết lập các phương thức chia sẻ thông tin và phối hợp thực thi pháp luật nhằm giải quyết nạn buôn bán ngà voi trong khu vực, đặc biệt là hỗ trợ các quốc gia thiếu năng lực và nguồn lực để chống lại tội phạm động vật hoang dã xuyên quốc gia trên lãnh thổ của họ”, Stoner kết luận.