“Bức tường xanh” tạo sinh kế bền vững
(TN&MT) - Những cánh rừng ngập mặn là những “bức tường xanh” giúp đảm bảo cân bằng sinh thái, ứng phó trước biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững từ bao đời nay đối với người dân vùng cửa sông, ven biển tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Ninh.
Rừng ngập mặn tạo sinh kế lâu dài
Quảng Ninh hiện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là gần 423.000ha, trong đó hơn 370.000ha đất có rừng, diện tích đất có rừng ngập mặn là trên 22.000ha. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới được 560ha rừng ngập mặn tại các vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên. Những cánh rừng ngập mặn là “lá chắn xanh” ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đê điều, ao đầm nuôi thủy sản cũng là nơi trú ngụ cho những loại thuỷ hải sản sinh sôi và phát triển, tạo sinh kế cho người dân có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Trên địa bàn TX.Quảng Yên hiện có hơn 2.600 ha rừng ngập mặn. Hệ động thực vật đa dạng, độc đáo, đặc trưng khiến rừng ngập mặn của Quảng Yên như một "bức tường" xanh vững chắc bảo vệ các tuyến đê biển, cung cấp nguồn thủy sản cho người dân.
Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TX.Quảng Yên cho biết, địa phương đang trong quá trình phát triển nhanh với hàng loạt dự án, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông được xây dựng. Vì vậy, việc nỗ lực bảo vệ không gian xanh của những cánh rừng ngập mặn có ý nghĩa rất quan trọng trong đảm bảo duy trì cân bằng sinh thái và bảo tồn thiên nhiên, môi trường sống là nhiệm vụ trọng tâm của thị xã với phương châm giữ màu xanh của rừng chính là giữ “lá phổi xanh” tạo sinh kế bền vững cho người dân có việc làm thu nhập ổn định từ những cánh rừng ngập mặn.
Với trên 600ha đất bãi triều, ven biển, dưới những tán rừng ngập mặn của Hoàng Tân là nơi sinh trưởng lý tưởng của nhiều loại hải sản, trong đó có những loại có hàm lượng dinh dưỡng, cũng như giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa thích như ngán, sò, cua bể.
Ông Lê Văn Sơn, thôn 2, xã Hoàng Tân chia sẻ, được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, gia đình tôi cũng như bà con trong thôn luôn bảo ban cùng nhau giữ rừng, giữ được rừng giữ được con tôm, con cá, con ngán, cùng nhau đánh bắt thủ công vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vừa giữ được môi trường biển.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân cho biết, những năm qua, địa phương luôn xác định muốn giữ được rừng ngập mặn thì cốt lõi phải dựa vào cộng đồng dân cư. Do vậy, xã giao cho Ban quản lý các thôn có nhiều diện tích rừng ngập mặn, thành lập các tổ bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm rừng ngập mặn. Bằng sự vào cuộc tích cực của chính quyền và sự đồng thuận của người dân, nhiều năm qua, những cánh rừng ngập mặn ở Hoàng Tân được bảo vệ nghiêm ngặt, là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản, tạo ra sinh kế cho người dân địa phương có nguồn thu ổn định cuộc sống.
Giữ rừng như giữ nhà
Rừng ngập mặn được ví như "lá phổi xanh” vừa bảo vệ hệ thống đê điều, ao đầm vừa bảo đảm cho hệ sinh thái ven biển phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để bảo vệ, tái sinh rừng ngập mặn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay bảo vệ, duy trì hệ sinh thái ven biển.
Nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng, TP.Móng Cái đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ hơn 5.800ha rừng ngập mặn. Hàng năm, Ban Quản lý Rừng phòng hộ TP.Móng Cái phân công cho các trạm quản lý rõ ràng, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được giao khoán chịu trách nhiệm cụ thể số diện tích, địa điểm từng lô, khoảnh cụ thể tới từng chủ rừng.
Gần 100ha rừng ngập mặn trồng mới tại thôn 1 xã Hải Tiến, tại TP.Móng Cái nằm trong dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển mà tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ năm 2020 đến nay. Việc trồng, chăm sóc diện tích rừng được giao cụ thể cho các hộ gia đình là người địa phương, nên việc bảo vệ rừng được nâng cao, rừng phát triển tốt. Theo đó, mỗi ha rừng ngập mặn ở Hải Tiến đầu tư từ khi trồng cho đến lúc thành rừng với kinh phí trên 200 triệu đồng, gấp 3 lần trồng rừng trên cạn. Toàn bộ chi phí này được tính cho những người dân tham gia hoạt động trồng rừng. Như vậy, ngay từ khi dự án trồng rừng ngập mặn bắt đầu, người dân thôn 1 xã Hải Tiến đã có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống.
Ông Nguyễn Phúc Vinh, Phó Chủ tịch UBND TP.Móng Cái cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả trong việc bảo vệ rừng với phương châm “giữ rừng như giữ nhà”, Thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan phối hợp với các xã, phường thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng đến hàng nghìn hộ dân sống ven rừng mỗi năm,, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng chống cháy rừng đến người dân, quản lý, ngăn chặn vi phạm khai thác lâm sản, thủy sản.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc triển khai chính sách đầu tư và cơ chế hưởng lợi đối với rừng ngập mặn, nhằm khuyến khích mọi thành phần trong xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong nhân dân với mục tiêu để người dân hiểu rõ việc trồng rừng ngập mặn gắn với sinh kế của mỗi hộ dân với công tác bảo vệ môi trường và tích cực tham gia vào các hoạt động trồng, bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững.