Đất đai

Bù Đăng: Giảm nghèo bền vững từ lợi thế đất đai

Thục Vy 19/02/2024 - 11:20

(TN&MT) - Bù Đăng là huyện có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 23,1% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Tuy nhiên, nhờ đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp với nhiều cách làm hay, tận dụng lợi thế từ đất đai nên trong những năm qua, huyện luôn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo so với nghị quyết đề ra.

sau-rieng.jpg
Khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Phù Đăng phù hợp với cây sầu riêng

Làm giàu từ đất
Là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, trong thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Bù Đăng đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, qua đó đẩy mạnh liên kết và phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, việc tận dụng lợi thế của đất đai, hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số từng bước xóa bỏ tư duy canh tác lạc hậu, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... đã giúp nhiều hộ dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Trước đây, hộ ông Điểu Ma Rút A, thôn 5 xã Đồng Nai là một trong trong những hộ nghèo của xã. Mặc dù nhà có nhiều đất rẫy, nhưng do chưa canh tác đúng cách, cũng như chưa biết cải tạo đất nên rẫy nhà ông luôn khô cằn, hiệu quả sản xuất thấp.

“Trước kia nhà mình trồng điều là trái nó cho tự nhiên, có bao nhiêu thì lượm bấy nhiêu, chăm sóc điều mình không biết nữa, đất đai thì để tự nhiên chẳng chăm bón, đào xới. Giờ đây mình được cán bộ chỉ cách tỉa cành, tạo tán điều, bỏ phân cho đất… nên năng suất đã cao hơn hẳn”, ông Điểu Ma Rút A chia sẻ.

Nếu như cây điều mang lại kinh tế ổn định, giúp người dân giảm nghèo thì cây tiêu đang trở thành cây có kinh tế mũi nhọn giúp hàng trăm hộ dân ở xã Nghĩa Bình làm giàu. Vượt qua đợt dịch thối rễ chết nhanh, chết chậm lịch sử năm 2017, khiến người trồng tiêu ở Nghĩa Bình lao đao, thì nay toàn huyện Bù Đăng có trên 1.000 ha tiêu, năng suất bình quân đạt 3 – 4 tấn/ha riêng xã Nghĩa Bình chiếm tỷ lệ trên 10%.

Không chỉ có thế mạnh về phát triển cây điều và cây tiêu, thổ nhưỡng của Bù Đăng còn phù hợp để nông dân phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây sầu riêng. Điển hình có mô hình trồng sầu riêng, xen điều của gia đình ông Hoàng văn Hùng –thôn 8 xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Năm 1998 gia đình ông từ tỉnh Đồng Nai lên lập nghiệp tại thôn 8, xã Bình Minh có mua được 2,5 đất trắng và trồng cà phê, đến năm 2003 chuyển sang trồng sầu riêng xen điều và thấy trồng sầu riêng cho nguồn thu ổn định, nên gia đình quyết định chuyển đổi 4 ha sang trồng sầu riêng. Hiện nay gia đình chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ được cấp chứng nhận VIETGAP, tới thời điểm hiện tại gia đình ông có 10 ha trong đó: 4 ha đất trồng sầu riêng mỗi năm cho thu được 80 tấn, 6 ha điều mỗi năm cho thu nhập từ 16,8 tấn...

img_20240130_153410(1).jpg
Nhờ tận dụng lợi thế đất đai, nhiều hộ dân ở huyện Bù Đăng đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Phát triển bền vững
Bù Đăng có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp phát triển nhiều loại cây công nghiệp, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông - lâm nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với tiềm năng thuận lợi này đã tạo điều kiện cho Bù Đăng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Toàn huyện hiện có 59.600 ha điều, 31.170 ha cao su, 10.200 ha cà phê, 1.370 ha hồ tiêu, 980 ha cây ăn trái...

Những năm qua, ngoài việc thay đổi nhận thức của người dân về cách canh tác đất nông nghiệp sao cho hiệu quả, chủ trương của lãnh đạo huyện Bù Đăng rất quan tâm và chú trọng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất đa canh để nâng cao giá trị kinh tế. Từ một vùng đất độc canh cây điều, cao su, cà phê, Bù Đăng đã nắm bắt lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển đa dạng các loại cây trồng.

Hiện Bù Đăng có diện tích cây hằng năm là 6.000 ha, diện tích cây lâu năm 104.780 ha. Trong đó, nhiều mô hình cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi da xanh, bơ sáp… trồng theo hướng hữu cơ, công nghệ cao, có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp.

Huyện cũng quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp 30 công trình thủy lợi để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và chủ động tưới tiêu cho 3.163 ha cây trồng các loại. Với các lợi thế của mình, Bù Đăng đang chủ động “đánh thức” tiềm năng để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Theo lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng, năm 2023 vừa qua, điểm nhấn quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện là sự tham gia tích cực, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trong tham mưu, rà soát, tổng hợp nhu cầu của hộ nghèo để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Năm qua đã có 963 nhu cầu sinh kế, phát triển sản xuất cộng đồng được triển khai, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa lợi thế của đất nông nghiệp trong canh tác để đạt năng suất cao.

Thực tế, từ khi đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng hàng chục lần so với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống. Định hướng trong thời gian tới là tập trung chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP và một số tiêu chuẩn quốc tế khác. Đề cao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu để phát triển kinh tế được ổn định và bền vững hơn.

Năm 2023, huyện Bù Đăng đã giảm 669 hộ nghèo, đạt 105,5% chỉ tiêu tỉnh giao. Với kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo năm 2023, Bù Đăng đã hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm hộ nghèo giai đoạn 2020-2025 mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 3,7% còn 0,6% vào năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bù Đăng: Giảm nghèo bền vững từ lợi thế đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO