Bốn cột trụ để Bến Tre phát triển bền vững

Bạch Thanh (thực hiện)| 05/05/2020 12:32

(TN&MT) - Tỉnh Bến Tre vừa xây dựng Chiến lược phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững. Phóng viên (PV) Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre về những hoạch định chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

PV: Xin ông cho biết, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre trong thời gian qua?

Ông Phan Văn Mãi:

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định 25 chỉ tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính. Đến nay, đã có 23/25 đạt và vượt; còn 2 chỉ tiêu chưa đạt là thu nhập bình quân đầu người (đạt 91%) và tổng kiêm ngạch xuất khẩu (đạt 93%).

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm ước đạt 7,2%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,1 triệu đồng. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, đã xây dựng được chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực; cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục được chuyển đổi theo hướng chất lượng, hiệu quả, từng bước gắn thị trường.

Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) phát triển mạnh mẽ, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 51 xã đạt chuẩn NTM, 76 xã đạt từ 10 đến 18 tiêu chí; huyện Chợ Lách đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020, TP. Bến Tre hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng bình quân 13,1%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư; các khu công nghiệp cơ bản được lấp đầy và hoạt động ổn định. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến công, phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống được chú trọng; số doanh nghiệp thành lập mới trên 2.600 doanh nghiệp.

Thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển khá với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 53.500 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm; kim ngạch xuất khẩu 5 năm ước đạt 5.332 triệu USD, đạt 94,2%;...

Có được kết quả trên là nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; thực hiện tốt phương châm: “Dân chủ - Kỷ cương - Đoàn kết - Năng động - Đổi mới”; tập trung triển khai phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” gắn với chủ đề hàng năm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã phân công cán bộ lãnh đạo tỉnh Bến Tre về theo dõi, hỗ trợ cơ sở theo phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”.

Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre

PV: Nội dung và lộ trình để thực hiện Tầm nhìn này như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Văn Mãi:

Bến Tre là một trong những tỉnh chịu nhiều tổn thất nặng nề trong chiến tranh, sau hòa bình, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã cố gắng nỗ lực vươn lên, quyết tâm xây dựng lại quê hương nhưng do điểm xuất phát thấp, đến nay, Bến Tre vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với khát vọng vươn lên của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre để “bắt kịp” với các tỉnh trong khu vực và cả nước, tỉnh đã mời đơn vị tư vấn xây dựng Tầm nhìn Chiến lược phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2045, tỉnh Bến Tre sẽ có nền kinh tế phát triển khá (top 5 Đồng bằng sông Cửu Long, top 30 cả nước), tiên tiến và theo hướng bền vững, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân.

Để đạt được Tầm nhìn này, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai 4 trụ cột chiến lược: Tập trung nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, gắn với thị trường, xem đây là nền tảng ổn định kinh tế - xã hội; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng, xem đây là mũi đột phá giúp đẩy nhanh tăng trưởng; tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là mũi đột phá tương lai của tỉnh; nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo môi trường xanh bền vững, hướng tới xây dựng địa phương đáng sống.

Tỉnh Bến Tre sẽ tiến hành xây dựng Quy hoạch phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, xác định rõ quy hoạch không gian, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, kế hoạch huy động nguồn vốn đầu tư, chương trình phát triển nhân lực, đề án chuyển đổi số, kịch bản thích ứng biến đổi khí hậu, chương trình đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách thúc đẩy phát triển.

Đây được xem là nhiệm vụ hết sức cần thiết, làm cơ sở cho công tác quy hoạch phát triển tỉnh Bến Tre theo hướng tích hợp, đồng thời, làm luận cứ cho việc xây dựng các bước đi, các chính sách dẫn dắt thích hợp cho từng giai đoạn cụ thể. Với tầm nhìn này, tỉnh Bến Tre được kỳ vọng sẽ phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bến Tre hướng tới xây dựng địa phương đáng sống

PV: Thời gian qua, tỉnh Bến Tre gặp rất nhiều khó khăn do hạn mặn, dịch bệnh. Xin ông cho biết những giải pháp khắc phục khó khăn để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển?

Ông Phan Văn Mãi:

Bến Tre là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn mặn, nhất là năm 2016 và hiện nay; đồng thời, dịch bệnh, dịch tả lợn châu Phi năm 2019 và Covid-19 hiện nay. Tỉnh Bến Tre đã tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về 2 nội dung này.

Cụ thể, về phòng chống hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã đắp 10 đập tạm trữ nước, nạo vét 260 km tuyến kênh nội đồng; vận hành hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri trữ trên 800 ngàn m3 nước; lắp đặt và vận hành tối đa công suất các hệ thống lọc mặn RO; vận động các cá nhân, đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nước ngọt cho người dân; tiếp tục phát động phong trào trữ nước mưa, nước ngọt bằng mọi phương tiện, điều kiện sẵn có tại cơ sở.

Về lâu về dài, tỉnh đã và đang xây dựng các hạng mục hệ thống thủy lợi khép kín, quyết tâm hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2023 như: hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre; dự án cung cấp nước sạch cho khu vực Cù lao Minh; các dự án đê, kè, đập thủy lợi đầu mối ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. 

Song song đó, tỉnh sẽ chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng và quy hoạch phát triển tỉnh phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt trong tương lai.

Riêng về phòng chống dịch Covid-19, tỉnh đã và đang thực hiện nghiêm tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của ngành chức năng trong phòng, chống dịch với nhiều giải pháp cấp bách.

Đồng thời, triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn dân nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sẵn sàng khôi phục lại hoạt động sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân ngay sau khi hết dịch bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn cột trụ để Bến Tre phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO