Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với ông Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 |
Thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chào mừng Ngài Chủ tịch COP26 cùng Đoàn cán bộ Vương quốc Anh sang thăm và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan của Việt Nam.
Trao đổi với Bộ trưởng Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến hành tinh chúng ta, thách thức sự tồn vong của toàn thể nhân loại. Do đó, việc ứng phó với BĐKH toàn cầu đòi hỏi nỗ lực của toàn thế giới, của tất cả mọi quốc gia cũng như vai trò của mỗi cá nhân, cộng đồng và tổ chức tại mỗi quốc gia.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do BĐKH, mặc dù, còn nhiều khó khăn về nguồn lực, nhưng Việt Nam luôn có trách nhiệm, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế.
Bộ trưởng cho biết, đồng thời, với việc phê duyệt Thỏa thuận Paris năm 2016, Việt Nam cũng ban hành ngay Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris và là nước đang phát triển duy nhất thực hiện được việc này. Năm 2020, Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia đầu tiên hoàn thành rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đồng thời, đã điều chỉnh tăng đáng kể mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 của đất nước.
Quang cảnh buổi tiếp |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong Luật này, lần đầu tiên nội dung thích ứng với BĐKH được nhắc đến 1 cách độc lập trong hành lang pháp lý của VIệt Nam. Đây sẽ là tiền đề để tăng cường công tác thích ứng với BĐKH, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Từ Thỏa thuận Paris năm 2015 đến nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các quốc gia tham gia đã qua quá trình chuẩn bị cho việc ứng phó với BĐKH và COP26 là hội nghị để các quốc gia cùng nhau bàn về việc thực hiện những cam kết trong Thoả thuận Paris.
Đối với Hội nghị COP26, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đã và đang chuẩn bị để tham gia một cách xây dựng cho thành công của Hội nghị. Trong vai trò của nước chủ nhà, kiêm nhiệm luôn là nước Chủ tịch COP26, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin rằng, với vai trò đầu tàu và vị thế của nước Anh và sự dẫn dắt thảo luận của Bộ trưởng Alok Kumar Sharma, Chủ tịch COP26, Hội nghị COP26 cuối năm nay sẽ thành công tốt đẹp.
Ghi nhận những thành quả của Việt Nam trong thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma mong muốn hợp tác với các quốc gia, trong đó, có Việt Nam để đạt được kết quả tham vọng của COP26. Trong chuyến công tác tới Việt Nam, ông mong muốn không chỉ trao đổi các ưu tiên Hội nghị COP26 mà còn là cơ hội để tìm hiểu về các nỗ lực Việt Nam đã thực hiện được liên quan tới năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng.
Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết, thời gian qua, nước Anh cũng đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và giảm tới 40% phát, mục tiêu mà Anh hướng tới là năm 2025 giảm tới 68% và năm 2035 giảm tới 78% lượng phát thải.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác của Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma |
Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma mong muốn Việt Nam đưa ra cam kết mới, mạnh mẽ hơn về giảm phát thải khí nhà kính, thay thế cam kết Việt Nam đã đưa ra trong Bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật, vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua và gửi Liên Hợp Quốc tháng 9/2020, song song với việc đó, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma khẳng định phía Anh sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề về chính sách, tài chính, công nghệ.
Đặc biệt, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma mong muốn Việt Nam đẩy mạnh đầu tư về các loại hình năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng hoá thạch như trước đây. Trước tiềm năm về điện gió ngoài khơi của Việt Nam mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà có chia sẻ, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết, Anh là nước đứng thứ 2 trên thế giới về công nghệ khai thác năng lượng này và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam.
Trao đổi với Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, việc chuyển đổi các mô hình cần có nguồn lực rất lớn về công nghệ, tài chính. Với những nỗ lực của mình, Việt Nam đã làm rất tốt và thể hiện rõ trong Bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, với vai trò của mình, Chủ tịch COP26, Vương quốc Anh cần tác động để các định chế tài chính trong và ngoài khuôn khổ UNFCCC, các nước G20, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới… cần quan tâm đầu tư cho thích ứng với BĐKH tương đương với đầu tư cho hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; tích cực kiến tạo những nền tảng phát triển mới, như chuyển đổi nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh… để vượt qua thách thức và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.