Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát “điểm đen” rác thải tại Đà Lạt

Khương Trung | 11/09/2020 16:40

(TN&MT) - Trước sự phản ánh của cử tri và đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thị sát hai “điểm đen” về rác thải gây ô nhiễm môi trường tại Đà Lạt là bãi rác Cam Ly và khu xử lý rác thải tại xã Xuân Trường vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt.

Được đưa vào sử dụng từ năm 1976, bãi rác Cam Ly rộng khoảng 12 ha, là một bãi rác hở dùng để chôn lấp rác thải của thành phố Đà Lạt trong nhiều năm nay. Những năm qua, nơi đây luôn rơi vào tình trạng quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Năm 2015, bãi rác Cam Ly đã phải đóng cửa và chất thải rắn của thành phố được chuyển tới Nhà máy xử lý chất thải ở xã Xuân Trường, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 20 km. Tuy nhiên, đến năm 2017, do nhà máy xử lý chất thải ở Xuân Trường không đáp ứng yêu cầu xử lý nên Công ty Dịch vụ đô thị Đà Lạt lại tiếp tục đưa bãi rác Cam Ly vào hoạt động. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức thị sát bãi rác Cam Ly tại Đà Lạt

Được biết, hiện nay bãi rác Cam Ly đã xảy ra sạt trượt khối lượng lớn rác thải sinh hoạt từ đỉnh đồi xuống thung lũng, gây mùi hôi thối nặng nề, kèm theo những dòng nước đen ngòm chảy ra từ rác có thể gây ô nhiễm nguồn nước và diện tích đất nông nghiệp của người dân.

Đến cuối tháng 12/2019, bãi rác Cam Ly lại bốc cháy, khói và mùi khét bao phủ cả một vùng rộng lớn của Đà Lạt. Chính quyền thành phố đã phải huy động nhiều lực lượng tham gia dập lửa tại bãi rác trong một tuần.

Hàng trăm tấn rác đổ xuống thung lũng bên dưới kèm theo nước hôi thối

Và mới đây nhất, ngày 6/7 vừa qua, sạt trượt lại tiếp tục xảy ra, vào thời điểm Đà Lạt đang vào mùa mưa. Sau những cơn mưa lớn liên tục nhiều ngày, hàng ngàn mét khối rác tại bãi rác Cam Ly đã bị sạt trượt xuống thung lũng. Rác kéo thành một vệt dài hàng trăm mét từ đỉnh đồi, nhìn từ xa như một thác nước khổng lồ, phủ lấp gần 2 hecta đất nông nghiệp của người dân.

Có mặt tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ghi nhận những sự phản ánh của người dân, đại biểu quốc hội về bãi rác Cam Ly đã gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân Đà Lạt.

Qua báo cáo và kiểm tra trực tiếp, tại cuộc họp với lãnh đạo địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà họp với lãnh đạo tỉnh đưa ra các giải pháp quản lý trong lĩnh vực tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh

Theo đó, địa phương phải kiên quyết không được sử dụng khu vực này để tiếp nhận nguồn rác mới, phòng ngừa việc tiếp tục gây ra sạt sở, sụt lún.

Bên cạnh đó, dùng các tấm vải bạt kỹ thuật để phủ kín và cô lập bãi rác Cam Ly và thiết kế các công trình kỹ thuật để tách nước mưa và xây dựng các khu xử lý nước rỉ rác theo đúng quy chuẩn môi trường hiện hành.

Đồng thời, do bãi rác được sử dụng quá lâu và cùng với quá trình phân huỷ đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí xung quanh trong đó có khí metan chưa được thu hồi, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Môi trường đưa ra giải pháp kỹ để có thể thu gom khí metan (nếu nhiều có thể làm các trạm phát điện, còn nhỏ thì đưa ra giải pháp đốt tiêu huỷ), và sử dụng vốn sự nghiệp môi trường để đóng cửa bãi rác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng

Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở địa phương phê duyệt các phương án, giải pháp, công nghệ kỹ thuật để xử lý thì có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo các phương án đề ra để giải phóng được quỹ đất và tạo nguồn lực phát triển.

Đến kiểm tra khu xử lý rác thải tại xã Xuân Trường vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt. Khu đất rộng 28 ha được các ngành chức năng Lâm Đồng chọn để qui hoạch thành một khu dự án xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, thay thế cho bãi rác Cam Ly vốn đã quá tải lâu nay.

Ghi nhận công tác phân loại rác thải tại đây (thủ công), tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chỉ ra những tồn tại ở đây như công nghệ vận hành lạc hậu, chưa có các biện pháp để cô lập rác thải, thu hồi nước rỉ rác, thu hồi khí thải… những vấn đề này đã khiến cơ sở xử lý rác thải này không đáp ứng được yêu cầu của Đà Lạt trong thời gian qua về xử lý rác thải tại địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiểm tra khu xử lý rác thải tại xã Xuân Trường vùng ngoại ô thành phố Đà Lạt

Bộ trưởng đề nghị địa phương cần có đánh giá lại toàn bộ dự án này để đưa ra giải pháp công trình áp dụng đúng với quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường hiện nay. Đồng thời chỉ đạo Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp, hỗ trợ và mời các chuyên gia Hàn Quốc tư vấn kỹ thuật đưa ra những giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này.

Cơ sở xử lý này phân loại rác thải bằng hình thức thủ công và lộ ra nhiều điểm bất cập 

Về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng với lượng khách du lịch đến Đà Lạt rất lớn như hiện nay, địa phương cần có những chính sách để khuyến khích người dân phân loại rác từ nguồn để từ đó, công tác xử lý rác thải được dễ dàng hơn. Về trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường đưa ra các chính sách khuyến khích và gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thu gom và quản lý chất thải; trách nhiệm giảm thiểu và phân loại rác thải tại nguồn… để Đà Lạt trong mắt du khách đến thăm là thành phố du lịch xanh, sạch, đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thị sát “điểm đen” rác thải tại Đà Lạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO