Theo các báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ nhận được rất nhiều các kiến nghị của địa phương liên quan đến vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định pháp luật tài nguyên và môi trường.
Vụ Pháp chế đã có báo cáo tổng hợp các kiến nghị xử lý các quy định pháp luật vướng mắc, bất cập của địa phương trên cơ sở Bộ yêu cầu các địa phương báo cáo bằng văn bản, tại 02 hội nghị giao ban vùng 2018 và trình Bộ trưởng, các Thứ trưởng (825 kiến nghị). Thực hiện kết luận của Bộ trưởng, Vụ Pháp chế đã gửi các đơn vị có liên quan đề nghị phân loại và xử lý các kiến nghị thuộc lĩnh vực phụ trách.
Mới đây tại 02 hội nghị giao ban vùng năm 2019 (Tây Ninh và Thanh Hóa), các địa phương đã có 68 kiến nghị (42 kiến nghị khu vực phía Nam và 26 kiến nghị khu vực phía Bắc) – nội dung kiến nghị chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản và công tác tổ chức cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin.
Sau 02 hội nghị giao ban vùng năm 2019, 05 địa phương tiếp tục tổng hợp, gửi nội dung về khó khăn vướng mắc trong quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường (71 kiến nghị).
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị đã báo cáo về tiến độ công việc thực hiện trước những kiến nghị của các địa phương, theo đó, các đơn vị đã phối hợp với các đơn vị chức năng để tổng hợp, trả lời kịp thời cho các địa phương. Trong đó, lĩnh vực đất đai nhận được nhiều sự quan tâm nhất kèm theo đó là số lượng câu hỏi gửi về Tổng cục cũng nhiều nhất. Báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, hiện các ý kiến gửi đến Tổng cục đã xử lý xong và đã gửi cho Vụ pháp chế để đăng tải phần trả lời lên cổng thông tin của Bộ. Những câu hỏi được gửi về sau cuộc Hội nghị giao ban vùng Tổng cục đã phân xuống cho các đơn vị chuyên môn xử lý.
Với Tổng cục Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Trong 7 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Môi tường đã tiếp nhận 421 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp thông qua đường văn bản và đã xử lý được 381 kiến nghị chiếm 90,5%; số kiến nghị đang triển khai thực hiện trong hạn là 40 kiến nghị chiếm 9,5%. Đối với các nhóm vấn đề chưa giải quyết do phải sửa đổi từ Luật bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Hưng Thịnh cho biết hiện đang được Tổng cục nghiên cứu, bổ sung trong quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.
Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu Tài nguyên và Môi trường cho biết, Cục đang xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản hướng dẫn dùng chung để các địa phương tham khảo, nghiên cứu, thực hiện thống nhất đối các trường hợp tương tự để giảm văn bản trao đổi. Đến hết 31/7 Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu đã gửi hơn19 nghìn văn bản tới các địa phương và cũng nhận lại 226 nghìn văn bản cần trả lời. Hiện nay Cục đang phối hợp với Vụ Pháp chế để xây dựng hệ thống trả lời kiến nghị, hướng dẫn giải đáp thực hiện pháp luật trên nền công nghệ hiện đại, thông minh và đa dụng…
Sau khi nghe thêm ý kiến báo cáo từ Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Tổng cục Địa chất Khoáng sản…, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hiện nay việc thực thi các quy định pháp luật tài nguyên và môi trường có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Những kiến nghị của các địa phương là cơ sở để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, sửa đổi để tham mưu cho Chính phủ những chính sách, quyết định để phát triển đất nước.
Bộ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau để cung cấp thông tin, tháo gỡ các vướng mắc pháp luật phải nhất quán, đồng bộ, tiếp thu được trọn vẹn những ý kiến đóng góp của các địa phương.
Bộ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ tăng cường các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Nội vụ tới các Sở TN&MT địa phương bảo đảm tiêu chí khi sắp xếp, đáp ứng yêu cầu quản lý; Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường xem xét, nghiên cứu, sáng tạo để phát triển đồng bộ việc kết nối về thông tin giữa Bộ với các Sở. Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các Tổng cục Quản lý Đất đai, Tổng cục Môi trường trong công việc xử lý các kiến nghị của cử tri, địa phương, doanh nghiệp về các vướng mắc trong thực thi các quy định pháp luật tài nguyên và môi trường.