Trong nước

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Nghiêm túc đánh giá tác động môi trường trong hoạt động lấn biển

Thanh Tùng - Khương Trung 04/06/2024 14:36

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, hoạt động lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội cần được đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước.

222.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và điều hành phiên chất vấn

Sáng 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7. Sau phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực do Bộ quản lý.

Bảo vệ tài nguyên biển quốc gia

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã dành sự quan tâm đến các nội dung liên quan đến việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương nêu vấn đề, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là nội dung quan trọng của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng trên?

111.jpg
Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản. Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, dự kiến khi Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua sẽ có phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển, cần thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển được kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.

son.jpg
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh

Phát biểu tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn Hải Dương đề nghị Bộ trưởng bổ sung thêm thông tin liên quan đến tác động của hoạt động lấn biển, đặc biệt là làm rõ hoạt động khai thác cát biển có tác động thế nào trong quá trình bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học. Nhất là vừa qua, Luật Đất đai 2024 đã có quy định về vấn đề này, Nghị quyết của Quốc hội cũng đã giao cho Chính phủ ban hành quy định về hoạt động lấn biển.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hoạt động lấn biển đã có từ rất lâu, hoạt động lấn biển để phát triển kinh tế - xã hội cần được đánh giá tác động môi trường nghiêm túc, bảo vệ hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, không làm ảnh hưởng đến môi trường nước. Về khai thác cát biển, Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu tại tỉnh Sóc Trăng, hiện đã đánh giá tác động khu vực đó và thấy rằng không ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Chiều sâu của thân mỏ là 7 mét, và Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo chỉ khai thác 2 mét để đảm bảo môi trường và thực hiện xa bờ khoảng 20 km.

tan.jpg
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng đặt câu hỏi chất vấn

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng nêu vấn đề, Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu vực bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ có giải pháp như nào để hiện thực hóa mục tiêu trên của Đảng?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lã Thanh Tân, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, mục tiêu đề ra trong nghị quyết 36-NQ/TW về quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo là mục tiêu quan trọng thể hiện sự phát triển của kinh tế biển. Từ Nghị quyết này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia. Vừa qua quy hoạch các vùng, quy hoạch các địa phương đã được lồng ghép tổ chức thực hiện.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, ngoài các khu bảo tồn đa dạng chúng ta phải rà soát các khu vực bảo vệ gắn với bảo tồn; rà soát các rừng ngập mặn sử dụng đa mục đích, vừa bảo tồn vừa phát triển, vừa sản xuất nông nghiệp vừa nuôi trông thủy hải sản. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về các chiến lược thực hiện những mục tiêu này.

040620240841-z5505144991148_97c6f27b5c05653536b4f690f77cbb30.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn của Quốc hội

Tăng cường phổ biến pháp luật biển, đảo

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh là việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biển đảo, các giải pháp chống đánh bắt thủy hải sản trái phép.

hong-hanh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn TP. Hồ Chí Minh nêu vấn đề, trong Báo cáo số 124 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề cập những kết quả trong công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về những hạn chế trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về biển đảo và các giải pháp khắc phục để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biển đảo ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm trong hoạt động đánh bắt trái phép?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiện nay, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản đã được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cố gắng phổ biến, tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là vấn đề khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, công tác phổ biến pháp luật biển và hải đảo cho người dân rất quan trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tuyên truyền.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vừa qua để tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương để phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước. Đồng thời cần kịp thời kiểm tra, giám sát các sai phạm.

Liên quan đến nội dung đại biểu nêu về đánh bắt thủy sản trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, vừa qua, Ban Bí thư đã giao cho người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm trong việc đánh bắt thủy, hải sản trái phép, không đúng quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền phổ biến cho nhân dân các nội dung liên quan đến việc đánh bắt đúng phép, đúng quy định.

Theo Bộ trưởng, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng ban hành, trong đó tập trung vào quy hoạch không gian biển, định hướng nuôi xa biển, thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và hủy diệt như hiện nay. Theo đó, thời gian tới, sẽ cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt và tăng tỉ trọng nuôi xa biển.

88.jpg
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Liên quan đến vấn đề giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn Gia Lai cho biết, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định về việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Tuy nhiên, hiện nay, các địa phương có biển thực hiện rất khó khăn trong việc giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, chưa có quy định pháp lý về phân vùng không gian biển ở cấp địa phương cho UBND tỉnh quản lý. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc này và các giải pháp trong thời gian tới?

Về thực hiện Nghị định 11 quy định giao khu vực biển, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, trong luật và các văn bản đã quy định rõ: Các địa phương được phép giao khu vực biển từ mép đường triều kiệt đến 6 hải lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ giao ngoài khu vực 6 hải lý. Bộ cũng đang điều tra, tổng hợp và công bố đường triều kiệt của 12 huyện đảo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Nghiêm túc đánh giá tác động môi trường trong hoạt động lấn biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO