Bố tôi là Vũ Quỳnh Như, quê ở thôn Vĩnh Truyền, xã Văn Lang, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Bố tôi kể, nhà ông bà nội nghèo lắm nên bố chỉ được học hết cấp hai. Đến tuổi đi bộ đội, bố chiến đấu tại chiến trường Campuchia, nhờ có thành tích xuất sắc nên được kết nạp vào Đảng. Tôi không nhớ rõ, sau khi xuất ngũ về địa phương bố bắt đầu với chức Bí thư chi bộ thôn khi nào nhưng có lẽ là lâu lắm rồi.
15 năm liên tục! Tôi không nhớ bố tôi đã chỉ đạo bao nhiêu vụ việc to nhỏ trong thôn, từ hội hè đình đám đến hòa giải đánh nhau, từ tổ chức Trung thu, quyên góp ủng hộ đồng bào bão lũ đến điều tra trộm cắp, có rất nhiều sự vụ đáng nhớ nhưng tôi nhớ nhất vẫn là vụ “dồn điền đổi thửa năm 2003”.
Năm ấy, tôi là học sinh lớp 10, kế hoạch “dồn điền đổi thửa” từ Trung ương triển khai về huyện, huyện về xã, xã đến thôn. Bố tôi lúc đó làm Bí thư chi bộ thôn nên được bầu giữ chức Trưởng ban dồn điền đổi thửa thôn. Ngày đó, nhà máy, xí nghiệp ở huyện tôi chưa nhiều như bây giờ, làng cũng không có nghề phụ, người dân quanh năm 2 vụ lúa 1 vụ màu nên rất quý đất, quý ruộng.
“Dồn diền đổi thửa” sẽ giúp một hộ dân 14, 15 mảnh ruộng chỉ còn 4-5 mảnh, không mất nhiều công đi lại, tiện lợi trong việc cấy gặt, chăm sóc, trồng màu nên khi họp dân các hộ trong thôn đều đồng tình nhất trí cao lắm. Để kịp gieo cấy vụ mùa cho nhân dân, công tác dồn điền đổi thửa được triển khai nhanh chóng. Ban dồn điền đổi thửa thôn phân loại các cánh đồng thành ba loại đất: đất loại 1 (đất tốt, có thể trồng màu), đất loại 2 (đất tốt, chỉ hợp với trồng lúa, không hợp với trồng màu), đất loại 3 (đất không tốt) rồi tiến hành đo đạc diện tích từng cánh đồng, tính số khẩu có ruộng từng hộ trong thôn rồi bắt đầu kéo dây thước chia ruộng bảo đảm mỗi hộ có 3 loại đất diện tích theo khẩu của từng hộ.
Tất cả mọi khâu trong quá trình chia ruộng đều diễn ra công khai, dân chủ, minh bạch nhưng đúng là như các cụ thường bảo “có làm mới biết”, mọi thứ luôn không đơn giản như ta vẫn nghĩ. Ruộng được chia theo số thứ tự, người dân bốc thăm được trong buổi họp dân để đảm bảo dân chủ. Nhưng thật oái oăm khi ruộng nhà ông bà, các chú, bác tôi lại không được nằm ở chỗ ngon mà toàn vướng phải mảnh đầu thừa đuôi thẹo.
“Một người làm quan” mà “cả họ không được nhờ” nên trong đợt chia ruộng ấy, bố tôi bị ông nội từ mặt, các bác tôi cũng bảo “từ giờ đừng vác xác đến nhà nữa”. Bản thân những đứa trẻ như chúng tôi khi ra nhà ông, nhà bác chơi cũng không còn được thân tình và hồ hởi như trước nữa. Chưa kể vẫn còn những hộ xì xèo lời ra tiếng vào, lời ong tiếng ve. Có người còn đứng trước cổng chửi vào nhà tôi, có người độc ác hơn viết bậy ở đầu làng nguyền rủa bố tôi … Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu bố vượt qua mọi chuyện bằng cách nào?
Tôi chỉ nhớ, tối tối vẫn thấy ông thức đêm cặm cụi làm sổ sách, sáng sớm lại tất tả ra đồng chia ruộng cho bà con. Lẽ nào một người như bố tôi phải chịu tất cả điều tiếng không hay chỉ vì vài đồng phụ cấp nhỏ nhoi (tiền phụ cấp cho bố tôi là 100.000 đồng/tháng)? Suốt một tháng liền, khuôn mặt đăm chiêu, khắc khổ và lầm lỳ của bố vẫn mãi ám ảnh tôi đến tận bây giờ.
Sau dồn điền đổi thừa, những thửa ruộng vuông vức được tiến hành làm đất cày xới, thời gian làm đất, gieo trồng, chăm sóc, cấy gặt được rút ngắn hơn vì không mất nhiều công di chuyển từ cánh đồng nọ sang cánh đồng kia. Bà con bảo ruộng to ít phải đi cắt cỏ bờ, phun thuốc trừ sâu cũng nhanh hơn, vụ mùa năng suất lúa cao hơn so với mọi năm … Những người nóng giận nhất thời trong đợt chia ruộng đó cũng không còn bất mãn mà yêu quý bố tôi hơn. Nhìn khuôn mặt bố rạng rỡ, chúng tôi thấy ấm lòng lạ.
Về thôn hỏi chuyện bố tôi, mỗi người sẽ là một câu chuyện, mỗi người sẽ là một ký ức. Nhưng có lẽ với những đứa con như chúng tôi, bên cạnh câu chuyện đáng nhớ như đợt chia ruộng năm 2003, còn phải kể đến những lần trong làng có người qua đời, dù có họ hay không có họ, bố tôi đều ở lại đến lúc 12h đêm, chuyển quàn xong mới lịch kịch về nhà. Hay những khi năm hết Tết đến, vì bận mải đi phát quà chúc Tết từng nhà, trăng đèn kết hoa ở hội trường, ở đường làng thôn cho người đi làm xa về thấy không khí Tết mà con cái như chúng tôi mãi chiều 30 mới được bố cho đi chợ Tết.
Ký ức đẹp luôn là thứ đáng lưu giữ và trân trọng. Bây giờ bố tôi không còn phải “đứng cái chịu sào” như xưa nữa nhưng hỏi, ông cứ tủm tỉm: “Bố già rồi, phải để lớp trẻ lên. Giờ làm Phó trưởng thôn thôi”. Một mùa xuân mới lại sắp về, trong tâm trí đứa con xa nhà như tôi, hình ảnh bố tôi với chiếc xe đạp, mang quà đến từng gia đình chính sách, hộ khó khăn trong thôn lại hiện ra. Và trong hình ảnh ấy, tôi thấy người dân quê tôi luôn đón bố tôi vào nhà với rất nhiều nụ cười ấm áp!