Dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khanh; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiếu; Phó Chủ tịch UBND Thái Bình Phạm Văn Xuyên, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Lê Thanh Khuyến cùng lãnh đạo các Sở, Ngành có liên quan của 2 tỉnh Hà Nam và Thái Bình.
Tham dự buổi làm việc về phía Trung ương có đại diện các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp; Bộ NN&PTNT; Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện có liên quan của Bộ TN&MT.
Tập trung tích tụ ruộng đất - hướng đi của tương lai
Tại buổi làm việc, thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Xuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trình bày dự thảo Đề án Thí điểm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 đến 2020.
Theo đó, mặc dù sản xuất nông - lâm - thủy sản của Thái Bình phát triển khá toàn diện, từng bước khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế… nhưng do sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún nên vẫn chưa tạo được khối lượng sản phẩm hàng hóa hơn. Để khắc phục những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp manh mún, hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại hóa… Thái Bình đề xuất cần đẩy mạnh việc tập trung tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung và nông nghiệp công nghệ cao.
Chủ trương tích tụ ruộng đất đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội tỉnh Đảng bộ Thái Bình lần thứ XIX… “Đây cũng là những giải pháp đột phá, trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp tại Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” - ông Phạm Văn Xuyên nói.
Còn với tỉnh Hà Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Minh Hiếu cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam xác định đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng kho học công nghệ và sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ…
“Theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ, Hà Nam xác định việc tập trung, tích tụ đất đai là xu hướng tất yếu, khách quan trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước đột phá để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong quá trình hội nhập Quốc tế và nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, từng bước chuyển lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ… chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ TN&MT và các Bộ, Ngành liên quan ủng hộ, hướng dẫn Hà Nam trong việc thực hiện đề án tập trung tích tụ đất đai” - ông Trương Minh Hiếu nói.
Sớm hoàn thiện đề án theo hướng khoa học, hiệu quả
Tại buổi làm việc, tỉnh Hà Nam kiến nghị được thí điểm thực hiện tập trung tích tụ đất đai đến năm 2020 với diện tích 1.000ha. Còn tỉnh Thái Bình đến năm 2016 đã có 9.714ha được tập trung tích tụ để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản và cũng kiến nghị được hướng dẫn để thực hiện đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai.
Cả hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình đều kiến nghị các Bộ, Ngành ở Trung ương tham mưu với Chính phủ và hướng dẫn về chủ trương chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tập trung ở địa bàn nông thôn đồng thời ban hành một số chính sách mới cho sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản quy mô lớn…
Đại diện Văn phòng Chính phủ, các Ban, Bộ, Ngành và Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai Lê Thanh Khuyến đã phát biểu góp ý cho Hà Nam và Thái Bình trong việc sớm hoàn thiện đề án tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất quy mô lớn. Hầu hết các đại biểu đều đề nghị chính quyền 2 tỉnh chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong việc thực hiện đề án để có thể thực hiện việc sản xuất quy mô lớn trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu kết luận, thay mặt đại biểu các bộ, ngành tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam trong việc xây dựng Đề án thí điểm về tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Liên quan đến thủ tục, trình tự và thẩm quyền giải quyết, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Chủ trương về tập trung, tích tụ đất đai đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ đồng ý. Hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam yên tâm xây dựng đề án một cách khẩn trương nhất.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Bộ TN&MT ủng hộ hai tỉnh lập đề án thí điểm tập trung, tích tụ đất đai. Bộ trưởng cũng lưu ý hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình trong quá trình xây dựng nội dung đề án cần làm rõ các vấn đề như: phạm vi, địa điểm, quy mô của dự án thí điểm đồng thời phải đảm bảo tính bền vững, đảm bảo an ninh xã hội, đảm bảo an ninh kinh tế, đặc biệt là đảm bảo sự đồng thuận của người dân…
Người đứng đầu ngành TN&MT cũng lưu ý hai tỉnh trong quá trình xây dựng dự án cần làm rõ mối quan hệ giữa: Chính quyền - Doanh nghiệp và người dân. Phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân khi tham gia dự án.
Trước việc hai tỉnh đề xuất phương án Nhà nước đứng lại thuê đất của người dân rồi cho Doanh nghiệp thuê lại, Bộ trưởng đặt vấn đề: Vậy đơn vị xây dựng dự án cần làm rõ vấn đề khi rủi ro xảy ra thì cơ chế tài chính nào để giải quyết? Hoặc trong trường hợp Doanh nghiệp trực tiếp đứng ra thuê đất của người dân, nếu xảy ra các vấn đề pháp lý thì giải quyết như thế nào?...
“Vì vậy tôi cho rằng chúng ta cần đề nghị Nhà nước tiếp tục nghiên cứu để khi mô hình này để đến khi mô hình được thể chế hóa thì sẽ hoàn thiện và có tính ưu việt một cách toàn diện của việc tập trung, tích tụ ruộng đất” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương ghi nhận và đưa các ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành vào trong đề án. Bộ trưởng giao Tổng cục Quản lý Đất đai và các cơ quan liên quan của Bộ TN&MT làm đầu mối cùng đại diện các bộ, ngành liên quan thường xuyên phối hợp với hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam để có thể hoàn thành dự án thí điểm trong thời gian sớm nhất.
Bộ trưởng khẳng định: Bộ TN&MT có trách nhiệm tổng hợp, các ý kiến đóng góp, hướng dẫn hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình sớm hoàn thiện đề án trong đầu năm 2018 để trình Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi trình Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội...