Bộ TN&MT trả lời cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp

Bộ TN&MT| 02/04/2020 11:51

(TN&MT) - Cử tri tỉnh Bạc Liêu đề nghị Nhà nước quan tâm về vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp, có quan tâm nhưng xử lý về môi trường chưa triệt để vẫn còn nơi này nơi khác vi phạm ảnh hưởng đến môi trường sống của Nhân dân.

Một mô hình nuôi tôm công nghiệp

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ với những lo ngại của cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp, đây là ngành nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, vệ sinh thú y của nhiều hộ nuôi tôm chưa thật sự tốt; việc sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm trong cải tạo, xử lý nước để nuôi tôm; việc xả thải bùn từ ao nuôi tôm trực tiếp ra nguồn nước…

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó dự án đầu tư xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản có diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải để được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án đi vào hoạt động chính thức; các dự án có quy mô diện tích mặt nước từ 05 ha đến dưới 10 ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Với quy định trên thì các dự án nuôi tôm công nghiệp phải đảm bảo việc xử lý ô nhiễm môi trường thì mới được phép đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, ngành thủy sản và các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều quy định về vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản; có các mô hình, giải pháp nuôi tôm hiệu quả để bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, xử lý và tuần hoàn nước thải tái sử dụng trong nuôi tôm để chủ động nguồn nước và giảm thiểu việc xả thải ra môi trường.

Đối với hoạt động nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ môi trường và triển khai Quyết định số 01/2019/QĐ-UBND ngày 05/01/2019 của UBND tỉnh Bạc Liêu quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh trên đến từng hộ dân trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, qua đó đã phát huy được hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp với Công ty TNHH MTV Long Mạnh hỗ trợ mô hình xử lý chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh quy mô hộ gia đình, đã bàn giao đưa vào sử dụng 01 mô hình cho hộ Võ Văn Tiến, ấp Long Hà, xã Điền Hải, huyện Đông Hải và đang tiếp tục 02 hộ ở thành phố Bạc Liêu, đây là mô hình phù hợp để các hộ dân có thể áp dụng rộng rãi góp phần bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường quản lý và kiểm soát ô nhiễm từ nuôi tôm công nghiệp bằng các giải pháp sau:

Hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo vệ môi trường, Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo hướng kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; có kế hoạch rà soát, xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương; tập trung đẩy mạnh, làm tốt hơn việc tiếp nhận, xác minh và xử lý các thông tin; mở rộng hệ thống đường dây nóng đến cấp huyện, cấp xã nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn đến mức thấp nhất các sự cố môi trường có thể xảy ra.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường và triển khai đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản trong đó có nuôi tôm công nghiệp, cụ thể như sau: Quan tâm thực hiện đúng quy hoạch nuôi trồng thủy sản; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thủy sản đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hệ thống kênh mương cấp nước và thoát nước phải đảm bảo theo quy định của ngành thủy sản cũng như điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Tổ chức các hội thảo, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm các mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường trong nuôi tôm công nghiệp giữa các địa phương.

Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất, tổ chức thanh tra, kiểm tra theo loại hình, vùng, theo hình thức cuốn chiếu để đánh giá đầy đủ, toàn diện, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm. Tổ chức thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về môi trường. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động giám sát thường xuyên đối với các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đẩy nhanh tiến độ kết nối truyền số liệu quan trắc môi trường của các cơ sở phát sinh chất thải lớn trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT trả lời cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường do nuôi tôm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO