Năm 2015, Bộ TN&MT, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam và các tôn giáo đã ký kết Chương trình phối hợp về BVMT và ứng phó BĐKH nhằm phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH.
Từ đó đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã ký kết, triển khai Chương trình và Kế hoạch phối hợp giữa MTTQ Việt Nam các cấp, ngành TNMT và các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Từng tôn giáo đã chủ động triển khai và đưa nội dung về BVMT, ứng phó với BĐKH vào chương trình hoạt động hàng năm của tôn giáo mình; ban hành các Thông bạch, Thông điệp, Lời kêu gọi gửi các tổ chức cơ sở và các tín đồ để hưởng ứng Chương trình tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH.
Từ đó, các tôn giáo đã có nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay; trên cả nước đã có hàng nghìn mô hình tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH. Một số mô hình, câu lạc bộ thiết thực, hiệu quả đã được triển khai nhân rộng như: giáo xứ, cơ sở thờ tự “Xanh, sạch, đẹp”; cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia BVMT và giảm thiêu BĐKH; “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo”, “Hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự”; “Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hàng tuần”; “Giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa”…. Đặc biệt trong khuôn khổ “Chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, năm 2017 đến nay đã xây dựng được 14 mô hình điểm tiêu biểu về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các tôn giáo tại các địa phương.
Mục sư Lê Thanh Truyện - Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam chia sẻ: Thời gian qua, Giáo hội đã hướng dẫn các Hội thánh, điểm nhóm hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ động triển khai bằng những hành động cụ thể như giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp ngay tại khuôn viên cơ sở thờ tự; phổ biến 12 cuốn sách viết về môi trường dành cho các cháu thiếu nhi, tổ chức Kinh Thánh hè với chủ đề “Chúa tạo dựng - Em bảo vệ”; tham gia thực hiện tổ dân phố, khu phố không rác…. Để tiếp tục góp phần hiệu quả các giải pháp nhằm BVMT, cải thiện các vấn đề ô nhiễm và đảm bảo môi trường sống, các Hội thánh, điểm nhóm sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, xây dựng khu dân cư văn minh.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa việc gia tăng các vấn đề môi trường là hệ quả khó tránh khỏi. Môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nhưng cũng là vấn đề của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi địa phương và cộng đồng. Ngành tài nguyên và môi trường đang nỗ lực cùng toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân đang thực hiện các giải pháp đồng bộ và toàn diện từ hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, phát huy nguồn lực, nâng cao trình độ công nghệ và nhận thức bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu.cho biết.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH; phát huy vai trò, huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong tuyên truyền, phát động các phong trào về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tổ chức biên soạn, cung cấp cho cộng đồng tôn giáo các tài liệu về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; những quy định trong giáo luật, giáo lý của mỗi tôn giáo về BVMT và ứng phó với BĐKH.
Đồng thời, tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến trong cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH, trong đó chú trọng phát triển các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy; vận động các giáo dân tham gia một cách chủ động và tích cực “Phong trào Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Trồng và bảo vệ cây xanh tại nơi ở, nơi công cộng, cơ sở tôn giáo; bảo vệ đa dạng sinh học; phát triển sinh kế bền vững; không chặt cây, phá rừng; tổ chức sản xuất, canh tác, chăn nuôi không gây ô nhiễm với môi trường; xóa bỏ những tập quán, thói quen gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và làm tăng phát thải khí nhà kính.