Bộ TN&MT làm việc với các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tư pháp về giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thúy Nhi| 18/03/2023 15:20

Sáng 18/3, tại trụ sở Bộ TN&MT, Bộ TN&MT đã tổ chức buổi làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội gồm: Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và Bộ Tư pháp về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương và một số Ủy viên thường trực, chuyên trách, lãnh đạo đơn vị thuộc Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc; đại diện Bộ Tư pháp.

Về phía Bộ TN&MT có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Đất đai, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký và Dự liệu thông tin đất đai; Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai sửa đổi.

img_2272.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Bộ TN&MT trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, cũng như việc giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai

Báo cáo kết quả ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Đào Trung Chính, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất cho biết, tính đến hết ngày 15/3/2023 - thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 671/NQ-UVTVQH15 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, website lấy ý kiến Nhân dân của Bộ TN&MT (cơ quan soạn thảo) đã tiếp nhận 7.979 lượt ý kiến góp ý của 782 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật.

Trong đó có 6.835 lượt ý kiến đồng ý; 822 lượt có ý kiến góp ý; Các lượt ý kiến tập trung vào các Chương như: Chương XIII. Chế độ sử dụng các loại đất (1.209 ý kiến), Chương III. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (990 ý kiến), Chương VII. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (756 ý kiến), Chương X. Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (667 ý kiến), Chương V. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (645 ý kiến), Chương VI. Thu hồi đất, trưng dụng đất (602 ý kiến), Chương I. Quy định chung (544 ý kiến), Chương II. Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai (541 ý kiến), Chương IX. Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (437 ý kiến), Chương XI. Tài chính về đất đai, giá đất (392 ý kiến)...

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo đã nhận được 98 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp, trong đó có 36 tổ chức, còn lại là của công dân. Đã có 01 tỉnh đã gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Bên cạnh đó, các thành viên Tổ biên tập cũng ghi chép, phân loại các ý kiến góp ý tại các Hội nghị, hội thảo lấy ý kiến do Bộ TN&MT, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ ngành và một số địa phương để tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình.

img_2245.jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân bày tỏ sự cảm ơn tới các cơ quan của Quốc hội đã quan tâm tới quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân, việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân để nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật

Cũng theo Tổ trưởng Tổ biên tập, qua tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của Nhân dân và các góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp, một số các ý kiến của người dân tập trung vào các vụ việc cụ thể, trình bày các khó khăn, vướng mắc và tâm tư, nguyện vọng trong quá trình sử dụng đất của người dân. Nhiều ý kiến góp ý trên website của Bộ không đúng nội dung theo tên Điều, có ý kiến góp ý chỉ copy từ Dự thảo Luật... một số ý kiến góp ý tại các Hội thảo mang tính tổng quát, nêu vấn đề không tập trung vào điều, khoản chi tiết của dự thảo Luật.

“Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá Dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả”, ông Đào Trung Chính chia sẻ.

img_2248.jpg
Ông Đào Trung Chính, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) báo cáo kết quả ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Về kỹ thuật lập pháp, các ý kiến góp ý của Nhân dân tập trung vào 13 nhóm nội dung cụ thể gồm: Áp dụng pháp luật; giải thích từ ngữ; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; Bồi thường, hỗ trợ tái định cư; Tài chính đất đai; Chế độ sử dụng đất; Phát triển quỹ đất; Cơ sở dữ liệu đất đai; Cải cách hành chính; Giải quyết tranh chấp, khiếu nại; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân, nhiều đại biểu lưu ý, Bộ TN&MT, Tổ Biên tập cần rà soát một số Dự thảo Luật có liên quan đang và sắp trình Quốc hội như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu để đảm bảo tính thống nhất, hài hòa và lâu dài.

Đồng thời, thảo luận về các nội dung giải trình, tiếp thu và cách thức thực hiện, trong đó làm rõ các đối tượng góp ý vì đại diện các tỉnh đối tượng quan tâm khác với người dân, chuyên gia; việc giải trình, tiếp thu ý kiến trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, căn cứ pháp lý, thực tiễn.

img_2263.jpg
Các đại biểu tham gia ý kiến tại buổi làm việc

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về một số nội dung lớn của Luật như: quy hoạch, kế hoach sử dụng đất; bảng giá đất; giá đất cụ thể, thu hồi, bối thường, hỗ trợ, tái định cư; đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất… nhằm thống nhất ý kiến trong việc giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Bộ TN&MT trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, cũng như việc giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai. “Công việc sắp tới còn rất nhiều, tuy nhiên nhiệm vụ xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV do đó, Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Bộ TN&MT trong thời gian tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ TN&MT tập hợp hết ý kiến góp ý tại các hội nghị, hội thảo do các Ủy ban của Quốc hội để giải trình tiếp thu. Đồng thời, việc tổng hợp phải phân loại các ý kiến theo nhóm đối tượng: cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, người dân; tổng hợp tất các ý kiến của Nhân dân để giải trình, tiếp thu đầy đủ.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cơ quan thẩm tra sẽ thẩm tra trên 3 nguyên tắc: cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Về vấn đề chưa có cơ sở chính trị, trong Nghị quyết 18-NQ/TW mà thực tiễn phát sinh thì báo cáo cấp có thẩm quyền để xin ý kiến.

Về các vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý Bộ TN&MT làm rõ một số nội dung về sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu giá, đấu thầu; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định… mà các đại biểu đã nêu tại buổi làm việc.

img_2253(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Thay mặt Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân bày tỏ sự cảm ơn tới các cơ quan của Quốc hội đã quan tâm tới quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cũng như trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân và việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Nhân dân của cơ quan soạn thảo để nâng cao chất lượng của Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Về phía Bộ TN&MT, ngay sau buổi làm việc sẽ tập trung để tiếp thu, ý kiến Nhân dân, các đại biểu tại buổi làm việc để hoàn thiện Dự thảo trên tinh thần những nội dung nào đã chín, đã rõ phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng, có giá trị thực tiễn thì tiếp thu, những vấn đề  trái chủ trương thì giải trình cho rõ, những vấn đề có giá trị về mặt thực tiễn nhưng chưa có trong Hiến pháp, chủ trương của Đảng thì chúng ta báo cáo.

Về mặt kỹ thuật cụ thể, Thứ trưởng đề nghị Tổ biên tập ngoài việc phân công các nhóm giải trình, tiếp thu thì báo cáo kết quả tổng hợp theo ngày gửi lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, lãnh đạo Bộ; phân loại các ý kiến góp ý về các nội dung theo vấn đề theo các nhóm đối tượng: cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, Nhân dân để có hướng báo cáo tiếp thu, giải trình… Phối hợp với với Vụ Kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để giải trình, tiếp thu ý kiến Nhân dân...

Theo Bộ TN&MT, dự kiến kế hoạch cụ thể trong thời gian tới:

- Ngày 15/3/2023 ban hành Công văn đôn đốc các địa phương gửi báo cáo tổng hợp ý kiến về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp (đã triển khai).

- Từ ngày 20/3/2023 đến ngày 28/3/2023, Tổ biên tập tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến Nhân dân và hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

- Từ ngày 25/3/2023, tổ chức họp Ban soạn thảo và báo cáo Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

- Ngày 28/3/2023 báo cáo Thường trực Chính phủ.

- Trước ngày 01/4/2023, trình Chính phủ Báo cáo về kết quả lấy ý kiến Nhân dân; Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và hồ sơ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT làm việc với các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tư pháp về giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO