Bộ TN&MT kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19

Phạm Oanh| 10/08/2021 05:27

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa trình Chính phủ Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Những cải cách này sẽ là “cú hích” hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt cần vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Đợt cải cách lớn nhất

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý. 

Theo đó, Bộ TN&MT đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tất cả 178 TTHC hiện nay và đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153/178 TTHC (chiếm 85% số lượng TTHC của lĩnh vực TN&MT). Theo tính toán, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC của Bộ TN&MT đã giúp tiết kiệm được 131.622.701.000 đồng – tương đương 21,9% tổng chi phí tuân thủ TTHC trong lĩnh vực TN&MT.

Ngoài ra, Bộ TN&MT đã thực hiện việc thống kê, cập nhật đầy đủ và công khai dữ liệu các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý, kèm theo tính toán chi tiết chi phí tuân thủ các quy định này trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đồng thời, Bộ đang tích cực rà soát, xây dựng kế hoạch giảm tối đa số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT. Cơ sở dữ liệu này sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi tra cứu thông tin, thủ tục hành chính, chi phí thủ tục… liên quan đến các lĩnh vực kinh doanh thuộc sự quản lý của Bộ. Từ đó, doanh nghiệp sẽ chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí khi thực hiện các  thủ tục hành chính.

Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo ông Phan Tuấn Hùng, đây là đợt cải cách lớn nhất, mang tính hệ thống, phạm vi ảnh hưởng rộng và toàn diện nhất từ trước đến nay. Những cải cách này sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Đẩy mạnh tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân, doanh nghiệp

Ngay trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ đã đẩy mạnh công tác tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp, địa phương. Trong đó, riêng quý I, Bộ nhận được 784 lượt đơn thư (tương ứng với 388 vụ việc), trong đó gồm: 745 đơn thuộc lĩnh vực đất đai, 16 đơn thuộc lĩnh vực môi trường và 13 đơn thuộc lĩnh vực khoáng sản. Hầu hết các phản ánh đã được Bộ xử lý theo đúng quy định.

Mặt khác, đường dây nóng của Bộ quản lý đã tiếp nhận 45 thông tin của người dân, đã phát hành 04 công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định; đối với 41 thông tin có nội dung liên quan đến khiếu nại, kiến nghị, hỏi đáp đã được cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn trực tiếp cho công dân.

Không những thế, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, việc tiếp nhận TTHC tại Văn phòng một cửa Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện đúng quy định, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục.

Với việc tiếp nhận, xử lý nhanh gọn, đúng quy trình các ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp về thủ tục pháp lý, tháo gỡ vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, phục hồi và phát triển sau những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ngoài ra, trong 6 tháng qua, Bộ TN&MT đã gấp rút triển khai kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cần ban hành, tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành. Trong đó phải kể đến việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2021 quy định cụ thể về việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, với thủ tục hành chính được nghiên cứu, ban hành phù hợp thực tiễn như: Giao khu vực biển; Công nhận khu vực biển; Trả lại khu vực biển; Gia hạn thời hạn sử dụng khu vực biển; Sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển; bao gồm thẩm quyền Trung ương và Địa phương….

Theo đánh giá của các chuyên gia, quy định mới giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc thực tế mà các cá nhân, doanh nghiệp đang gặp phải. Tạo điều kiện thuận lợi, phát huy giá trị trong hoạt động khai thác tài nguyên biển.

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2021, Bộ tập trung tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4; tiếp tục tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng các dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; tăng tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành của Bộ…       

Triển khai phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2025, Bộ TN&MT dự kiến sẽ trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền 19 VBQPPL, trong đó có 12 Nghị định và 07 Thông tư của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Dự kiến Bộ sẽ sử dụng hình thức một VBQPPL sửa đổi, bổ sung nhiều VBQPPL và thực hiện theo trình tự thủ tục rút gọn để đẩy nhanh việc thực thi phương án.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ TN&MT kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO